Vì sao kế hoạch lâu khó có con là câu hỏi thường chỉ được đặt ra với những cặp vợ chồng kế hoạch một khoảng thời gian đủ dài. Mặc dù có thể bạn từng được khuyên rằng, khi bạn kế hoạch bằng các biện pháp tránh thai trì hoãn chuyện sinh con, thì một khi bạn ngưng các biện pháp ấy, bạn sẽ có em bé trở lại.
Thực tế cho thấy rằng, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng vỡ lẽ, sau một khoảng thời gian kế hoạch, họ “thả” và chờ hoài “chẳng thấy gì”. Lúc này, câu hỏi đau đáu vì sao kế hoạch lâu khó có con xuất hiện, khiến họ lo lắng, thậm chí còn bị “dày vò”. Và, trong số rất nhiều các cặp đôi ấy, còn có không ít người đều tự đưa ra một kết luận là, bởi biện pháp tránh thai mà họ chọn để kiểm soát vấn đề sinh sản, chính là nguyên nhân khiến họ lâu có em bé.
Vậy, thực sự các biện pháp tránh thai có làm bạn lâu có em bé sau khi đã ngưng? Bạn thực sự biết rõ đề trì hoãn chuyện sinh con và có con sau đó cụ thể có mối tương quan thế nào? Bạn có chắc rằng, bản thân mình nắm được điều này? Nếu bạn còn đang nghi ngờ về những gì mình đã từng được nghe, từng được khuyên,…thì hãy một lần nữa cùng tìm hiểu lại chủ đề này kỹ lưỡng hơn nhé.
1. Các biện pháp tránh thai có làm giảm cơ hội mang thai của bạn sau này hay không?
Liên quan đến việc các biện pháp tránh thai có làm giảm cơ hội mang thai của phụ nữ hay không, Thạc sỹ Bác sỹ Tina Bennett công tác tại Khoa Sản & Phụ khoa ở Đại học California và là Giám đốc của Trung tâm Y tế Thế hệ mới đã chia sẻ như sau:
- Hầu hết phụ nữ ở độ tuổi dưới 30 có khả năng sinh sản rất tốt và thuận lợi. Tuổi dưới 30 cũng là thời điểm mà khả năng mang thai của họ đang ở đỉnh cao. Tại Hoa Kỳ, cứ 4 phụ nữ đang ở độ tuổi dưới 30 có sinh hoạt tình dục và có sử dụng biện pháp tránh thai, thì 3 trong số họ đều hỏi tôi chung 1 câu hỏi là, liệu chọn lựa các biện pháp tránh thai hiện tại có làm ảnh hưởng đến cơ hội thụ thai của họ sau này hay không. Và, câu trả lời khiến tất cả đều thở phào nhẹ nhõm là KHÔNG.
- Các biện pháp tránh thai giúp bạn tránh mang thai khi sử dụng chúng nhưng không có tác dụng lâu dài đối với khả năng mang thai của bạn một khi bạn dừng các biện pháp tránh thai lại. Điều này cũng giải thích phần nào tại sao nhiều người sử dụng thuốc tránh thai, nhưng vô tình quên uống trong vài ngày vẫn có thể mang thai trong tháng đó.
- Một ví dụ rất cụ thể khác về mối liên hệ giữa thuốc tránh thai và khả năng mang thai sau khi ngưng dùng chẳng hạn. Một nghiên cứu trên 2000 phụ nữ dùng thuốc tránh thai sau 7 năm, thì trong số họ, có 21% phụ nữ có thai sau 1 tháng ngưng dùng thuốc, 79% phụ nữ mang thai trong 1 năm sau khi ngưng thuốc và không dùng các biện pháp tránh thai nào khác thay thế.
- So với phụ nữ dùng các cách tránh thai tự nhiên thì con số trên không chênh lệch nhiều. Cụ thể, những phụ nữ tránh thai theo biện pháp tránh thai tự nhiên thì 20-25% có thai trong 1 tháng và 80% có thai trong một năm, kể từ khi ngưng các biện pháp tránh thai mà mình áp dụng. Rõ ràng là, những phụ nữ ngưng dùng thuốc tránh thai cũng như các phụ nữ khác, việc tránh thai bằng thuốc không ảnh hưởng đến khả năng mang thai của họ sau đó, ngay cả khi họ đã sử dụng thuốc tránh thai trong nhiều năm.
- So với những người dùng thuốc tránh thai, phụ nữ áp dụng biện pháp tránh thai bằng miếng dán hay đặt vòng tránh thai cũng có tỷ lệ tương tự. Với một số phụ nữ dùng ngừng sử dụng que cấy hoặc mũi tiêm tránh thai, có thể mất thêm vài tháng để chu kỳ kinh nguyệt trở lại như bình thường. Hầu hết phụ nữ áp dụng các biện pháp tránh thai này, cũng đều có thai sớm sau khi ngừng sử dụng.
Như vậy, có thể tóm gọn lại một điều, các biện pháp tránh thai không làm hạn chế, giảm hay ảnh hưởng đến cơ hội có con trong tương lai của bạn, sau khi bạn dừng biện pháp kiểm soát sinh sản mà mình đã lựa chọn. Vậy, vấn đề cản trở việc bạn có thai sau khi ngưng các biện pháp tránh thai là gì? Cũng theo Thạc sỹ Bác sỹ Tina Bennett, vấn đề nằm ở những bệnh lây truyền qua đường tình dục.
2. Bệnh lây truyền qua đường tình dục ảnh hưởng đến khả năng mang thai của bạn ra sao?
Theo Thạc sỹ Bác sỹ Tina Bennett, cứ 2 người trẻ tuổi ở tầm tuổi 25 quan hệ tình dục thì có 1 người bị bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI – Sexually Transmissible Infections).
Trong các bệnh lây truyền phổ biến nhất, phải kể đến là nhiễm trùng do Chlamydia. Sự lây nhiễm có thể được ngăn chặn bằng việc sử dụng bao cao su. Bệnh cũng rất dễ điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, một thực tế lại cho thấy, đa phần những người mắc bệnh lại không điều trị tới nơi. Cứ 4 phụ nữ mắc Chlamydia thì 3 trong số họ không biết mình mắc phải vì không thấy có triệu chứng nào. Một nửa số nam giới mắc Chlamydia cũng không biết mình bị mắc Chlamydia vì không có triệu chứng. Chính vì lẽ ấy, họ phần lớn đều không nhận ra bệnh để điều trị sớm.
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như Chlamydia hay bệnh lậu để lâu không được điều trị dứt điểm, thì ở phụ nữ, khả năng gây sẹo trong các ống buồng trứng và tử cung là rất cao. Những vết sẹo này sẽ cản trở, khiến trứng khó di chuyển đúng hướng. Và, đây chính là điều sẽ làm cho cơ hội thụ thai của bạn bị cản trở, giảm đi trong tương lai.
Thạc sỹ Bác sỹ Tina Bennett cũng nhấn mạnh rằng:
- Nếu bạn đang duy trì sinh hoạt tình dục thì hãy dùng bao cao su để tránh các bệnh lây truyền, để bảo đảm cơ hội mang thai của mình trong tương lai.
- Bạn cũng có thể chủ động làm các xét nghiệm để phát hiện nếu bị lây nhiễn Chlamydia hay có bị bệnh lậu hay không. Liên quan đến bệnh hay xét nghiệm để phát hiện:
+ Bạn đừng lo lắng vì việc xét nghiệm nhiễm Chlamydia hay bệnh lậu diễn ra rất dễ dàng, nhanh chóng, không làm bạn đau đớn gì cả. Để làm xét nghiệm, bạn chỉ cần đi tiểu vào cốc thôi là đã có mẫu để làm xét nghiệm rồi.
+ Về việc điều trị cũng diễn ra không hề phức tạp hay mệt mỏi. Vì, bạn chỉ cần uống một số thuốc điều trị trong khoảng 1 tuần.
+ Còn về việc nói chuyện với đối tác, hẳn là nó cũng không hề quá khó khăn. Nếu bạn kiểm tra và nhận kết quả dương tính, hãy nhẹ nhàng tìm cách khuyến khích đối tác đi kiểm tra. Chúng ta có rất nhiều cách để thông tin, chia sẻ với đối tác của mình vì sức khỏe của cả hai.
Các lời khuyên trên đều thực sự rất hữu ích cho tất cả những ai đang trải qua đời sống tình dục. Hãy thực hiện để bạn có đời sống tình dục an toàn hơn, bảo đảm sức khỏe hơn. Đồng thời,với riêng phụ nữ, đây cũng chính là cách để chúng ta bảo đảm việc có con thuận lợi trong tương lai của mình.
3. Vì sao kế hoạch lâu có con – vấn đề còn nằm ở đâu nữa?
Ngoài vấn đề sinh hoạt tình dục không an toàn hay các bệnh lây truyền qua đường tình dục, theo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe sinh sản, còn có nhiều yếu tố khác tác động hay ảnh hưởng đến việc thụ thai của bạn sau khi ngừng các biện pháp tránh thai, cụ thể như dưới đây:
3.1. Thói quen sống của bạn
Thói quen sống của bạn như thức khuya, dậy sớm, dùng thực phẩm có nhiều caffein, chất kích thích, hút thuốc, không tập thể dục hoặc tập thể dục quá sức,…đều là những tác nhân ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thụ thai.
Tại sao các điều trên lại cản trở khả năng mang thai của bạn? – Câu trả lời đơn giản nhất là sự không lành mạnh đều ảnh hưởng đến hoạt động của cơ thể, hormone, ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, chất lượng trứng, chu kỳ kinh nguyệt, thời gian rụng trứng. Chỉ cần điểm qua như thế, chúng ta cũng đủ thấy được vấn đề phải không nào!
3.2. Gen của bạn
Gen hay yếu tố di truyền cũng có góp phần chi phối không nhỏ trong khả năng sinh sản của mỗi người. Khi tình trạng vô sinh hiếm muộn trên thế giới ngày càng tăng, trong lúc những người bình thường đôi khi toàn võ đoán cho nguyên nhân khó có con của họ từ các biện pháp tránh thai, mục tiêu sống tập trung cho sự nghiệp, thăng tiến, kiếm tiền khiến việc có con bị trì hoãn,…thì các nhà khoa học lại đưa ra một nguyên nhân khác không thể bỏ qua là yếu tố di truyền.
Các nhà khoa học đã ước tính rằng, khoảng 50% các trường hợp vô sinh là do di truyền. Lịch sử sức khỏe gia đình đóng một vai trò nhất định, khi một ai đó gặp vấn đề về sinh sản như lâu có em bé, hay vô sinh hiếm muộn.
Bàn về yếu tố di truyền liên quan đến vấn đề sinh sản, thì các bệnh di truyền hay bất thường nhiễm sắc thể đều có thể là nguyên nhân làm giảm khả năng sinh sản. Một số cá nhân thừa hưởng tình trạng nào đó từ gen, có thể làm chậm quá trình phát triển tế bào tinh trùng, hoặc khiến phôi không thể cấy thành công hay phát triển bình thường trong tử cung.
3.3. Yếu tố tuổi tác, tiền sử sức khỏe và cân nặng
3 yếu tố gồm tuổi tác, tiền sử sức khỏe và cân nặng cũng đều có ảnh hưởng nhất định đến khả năng thụ thai, mang thai của bạn. Đây là điều chúng ta có thể đã được nghe đến rất nhiều.
- Về tuổi tác : Như ngay từ đầu bài viết, chúng ta thấy rằng, phụ nữ ở đỉnh cao khả năng sinh sản, thụ thai là dưới 30 tuổi. Sau 30 tuổi, khả năng thụ thai bắt đầu giảm dần theo quy luật tự nhiên. Và hẳn nhiên, chũng ta không thể “cãi lại” quy luật tự nhiên này, bởi khả năng thụ thai thành công theo từng độ tuổi rất khác nhau.
- Về tiền sử sức khỏe : Tiền sử sức khỏe của bạn bao gồm cả sức khỏe nói chung sức khỏe sinh sản nói riêng. Một phụ nữ từng có vấn đề nào đó về sức khỏe, hay từng gặp một số vấn đề về sức khỏe sinh sản như từng sảy thai, sinh non, khó thụ thai,…trước đó; đương nhiên sau thời gian kế hoạch, việc có thai trở lại cũng dễ gặp vấn đề hơn, so với những phụ nữ có sức khỏe tốt, hoàn toàn bình thường.
- Về cân nặng : Cân nặng có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe sinh sản. Một người đàn ông thừa cân hay béo phì dễ gặp phải tình trạng khó có con vì tình trạng này có thể làm xáo trộn hoạt động của hormone, sức khỏe tình trùng và các vấn đề liên quan, cũng như tình trạng sức khỏe khác của anh ấy. Một phụ nữ thừa cân béo phì cũng dễ gặp mất cân bằng về hormone, các vấn đề về rụng trứng . Thừa cân béo phì ở phụ nữ cũng liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang, là nguyên nhân cực kỳ phổ biến làm giảm khả năng thụ thai và thậm chí là vô sinh. Ngược lại với thừa cân béo phì, tình trạng quá gầy cũng gặp nhiều vấn đề không kém, đều ngăn trở việc thụ thai thuận lợi ở phụ nữ lẫn khả năng có con của nam giới.
Đến đây, có thể nói rằng, vì sao kế hoạch lâu có con phần lớn không nằm ở việc bạn kế hoạch lâu hay việc sử dụng các biện pháp trì hoãn chuyện sinh sản. Việc lâu có em bé sau khi kế hoạch phần lớn lại do nhiều nguyên nhân khác. Do đó, Chuyên mục Kế hoạch có con rất hy vọng qua thông tin chia sẻ này, các cặp đôi có thể nhìn rõ hơn được vấn đề của mình. Còn, với những ai dự định trì hoãn việc sinh con, thì cũng nên biết rõ việc mình cần, nên làm gì cả khi đang áp dụng các biện pháp trì hoãn lẫn sau khi ngưng các biện pháp ấy, để hành trình tìm con yêu diễn ra thuận lợi, dễ dàng và không bị cản trở.
Nguồn tham khảo: WebMD, Live Science, Huffpost & Better Health
Cát Lâm tổng hợp