Chứng kiến vợ đẻ, tôi càng thương vợ nhiều hơn. Để cho tôi hạnh phúc được làm cha, cô ấy đã phải trải qua những đau đớn và cả những hiểm nguy khôn lường.
Ngày đầu tiên ở bệnh viện
Chúng tôi lên bệnh viện huyện khám. Bác sỹ, mặt lạnh tanh gọi tôi vào phán câu xanh rờn: “Nhập viện”. Thú thực, tôi chưa bao giờ đặt niềm tin vào mấy ông bác sỹ “chuyên tu” ở bệnh viện huyện nên quyết định đưa vợ lên bệnh viện phụ sản để “nhập viện” như lời phán của bác sỹ.
Nhật ký đi đẻ cùng vợ
Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết bác sỹ đã đồng ý để vợ tôi nhập viện chuẩn bị sinh. Ảnh minh họa
Sau khi làm các xét nghiệm, siêu âm và một mớ các thủ tục rườm rà khác, bác sỹ đồng ý để vợ tôi nhập viện. Vợ tôi vào phòng “tự nguyện” nên có giường nằm, không phải chen chúc ba, bốn bà một giường như ở phòng “không tự nguyện”.
Sau khi “yên vị”, y tá mang đến cho tôi một tờ cam kết và yêu cầu tôi ký tên để tiến hành truyền dịch “kích đẻ” cho vợ tôi vì cái thai đã đủ ngày.
Một đêm thức trắng trong đau đớn
Hai bác sỹ thay nhau vào kiểm tra và đều lặng lẽ bỏ đi với cùng một câu nói: “Yên tâm. Cứ đến tết Tây vẫn chưa đẻ”. Vợ tôi bắt đầu đau dữ dội. Môi mím chặt, hai bàn tay gầy guộc bám chặt lấy thành giường lạnh ngắt. Có lẽ cô ấy đang cố chịu đựng để không bật lên tiếng khóc.
Nhưng cô ấy không khóc mà tôi… khóc. Tôi ước mình có thể chịu đựng thay vợ nỗi đau đớn này. Nhưng tôi chỉ biết bất lực đứng nhìn. Xung quanh tôi, ba bốn chị đang gào thét thảm thiết vì đau đớn, áo xống tả tơi. Những chỗ ngày thường các chị “bảo vệ cẩn mật” thì nay phơi bày hết ra trước mắt mọi người.
Không hề có dấu hiệu của sự xấu hổ hay ý định “che” lại. Cơn đau khiến họ quên đi tất cả. Nhưng người xấu hổ lại chính là… tôi. Vợ tôi càng lúc càng đau dữ dội. Khoảng cách giữa các cơn đau ngày càng rút ngắn. Nhìn vợ quằn quại trên giường, tôi xót ruột đi gọi bác sỹ và luôn nhận được câu nói vô cùng nhẹ nhàng: “Anh tưởng cả thế giới này chỉ vợ anh là đẻ chắc! Đau thế không chết được đâu!
Tôi xót vô cùng khi thấy vợ đau đớn quằn quại mà không biết làm gì. Ảnh minh họa
Lúc nào đẻ khắc biết!
Hơn 7 tiếng đứng bên giường nhìn vợ đau khiến chân tay tôi đã bắt đầu rã rời. Chết mất! Không phải đau mà tôi còn oải đến thế, không biết vợ tôi có còn đủ sức để đẻ không nữa!
Bác sỹ lại tiếp tục vào khám. Sau khi dùng đủ các dụng cụ để nghe ngóng, soi xét, anh chàng bác sỹ trẻ măng nói với hai vợ chồng: “Chị không đẻ thường được. Phải mổ thôi anh ạ!”. Tôi “nhờ” anh bác sỹ đẹp trai đi “liên hệ” giúp. Khoảng nửa tiếng sau cậu ta quay lại thông báo. 7 giờ 30 mổ!
Trời đất! Còn những hai tiếng nữa mới đến giờ mổ. Vợ tôi càng lúc càng đau dữ dội. Máu me chảy ra lênh láng làm tôi phát hoảng. Sau khi cố gắng trình bày hoàn cảnh và mong sự giúp đỡ, thời gian mổ “rút” xuống là 6 giờ 30. Thế là tốt lắm rồi. Cái giá của một tiếng đồng hồ đau đớn cho dù thế nào cũng không hề đắt.
Trông vợ ở phòng hồi sức
Ca mổ diễn ra khá nhanh gọn. Chỉ khoảng nửa tiếng, y tá đã bế con tôi ra ngoài. Hạnh phúc. Có lẽ, không từ ngữ nào có thể diễn tả hết tâm trạng của tôi lúc ấy. Sau khi “bàn giao” cháu cho bà nội mang đi tắm và tiêm phòng, tôi được y tá gọi vào để đưa vợ sang phòng hồi sức.
Vừa bước vào phòng mổ, tôi suýt bật khóc khi nhìn thấy bàn tay gầy guộc của vợ run cầm cập đang giơ cao chai nước truyền dịch. Khổ thế, người vửa mổ đẻ xong mà phải “tự phục vụ thế” ai mà không xót cho được!
Nhật ký đi đẻ cùng vợ
Sau khi đưa vợ về khu cách ly, tôi vội vã đi “cám ơn” kíp mổ. Việc gì cũng phải có đi có lại! Ít nhất, vợ tôi cũng phải nằm đây tuần lễ nữa. Mình không biết điều thì khốn có ngày! Tất cả các cửa hành lang dẫn vào khu hồi sức đều bị đóng kín với dòng chữ: “Không phận sự miễn vào”. Kỳ thật! Tôi có phận sự hẳn hoi mà cũng không được vào là sao? Tôi đánh bạo leo qua cột nhà ở hành lang để vào khu vực hồi sức.
Cửa phòng vợ tôi nằm đã được đóng kín. Nhìn qua cửa kính, tôi thấy vợ mình đang ngủ. Bỗng, một cô y tá chạy ra quát tôi: “Anh vào đây làm gì? Đi ra ngoài kia đi! Chiều mới sang đón chị ấy về chứ!”. Yên tâm rồi! Ít ra cũng có người ở bên này! Tôi cười lấy lòng cô y tá rồi vội vã tụt xuống qua cột ống nước. Sang đến phòng con, bà nội và bà ngoại thay nhau trộng cháu.
Tôi tranh thủ ra khu vưc phơi quần áo phía ngoài phòng chải chiếu ngủ. Nắng rọi thẳng vào mặt cũng không ảnh hưởng gì đến giấc ngủ của tôi. Mười hai giờ trưa. Giờ này các bác sỹ, y tá chắc là đi ăn hết rồi. Thế nghĩa là vợ tôi lại phải nằm một mình! Tôi lại chạy sang khu hồi sức và theo đường cũ lẻn vào!
Đỡ con từ tay bà nội mà tôi có một cảm giác vô cùng đặc biệt. Vừa hạnh phúc vừa sợ hãi. Hạnh phúc chắc khỏi phải nói nhưng sợ… đánh rơi con. Tôi cũng bế trẻ con rất nhiều nhưng có vẻ con tôi hơi… bé so với vòng tay. Có được hơn 3kg.
Tôi lọng khọng bế con và cứ lo mình sẽ làm rơi con xuống đất. Ảnh minh họa
Cũng may là có tấm chăn nhỏ xíu làm cho “kích thước” của bé to ra chứ nếu không việc lọt khỏi tay rơi xuống đất là điều không hề khó! Nhìn thấy điệu bộ lóng ngóng của tôi, cả phòng bệnh đều cười. Rồi các bà, các chị hướng dẫn tôi cách…bế con! Thật là vui nhưng cũng rất xấu hổ.
Do đã được thống nhất nên trong mỗi chiếc thau đều có 50 nghìn để gọi là cám ơn cô y tá tắm rửa cho các cháu. Nhưng cũng vì tiền bằng nhau nên ai cũng được đối xử rất chi là công bằng.
Có lẽ, nếu ai muốn hoài niệm về một thời tem phiếu, hãy đến bệnh viện phụ sản và đi tắm cho con. Nếu ngày xưa các cụ giữ chỗ bằng gạch thì ở đây giữ chỗ bằng… thau. Do sắp đến giờ đón vợ tôi về phòng bệnh nên tôi cảm thấy rất sốt ruột.
Thế là, cứ chạy xuống phòng vợ tôi ở tầng hai lại chạy vội lên tầng 3 để kiểm tra thứ tự. Cũng tệ. Do tôi di chuyển như vậy nên chiếc thau của con bị tụt xuống thêm mấy bận. Thì ra, ở đâu cũng có những người khôn lỏi.
Một tiếng đồng hồ kể từ khi xếp thau thì con tôi được tắm.
Vừa bế con xuống phòng thì có người gọi lên phòng hồi sức để đưa vợ về. Vừa đẹp. Vợ tôi yên vị trên giường coi như là xong những việc rắc rối nhất. Giờ chỉ có nằm ăn và chờ ngày… ra viện.
Những bữa cơm ở bệnh viện
Suất cơm 40 nghìn mà được có vài miếng đậu nhỏ và mấy miếng thịt đã bắt đầu có mùi do lưu cữu từ mấy hôm rồi.
Vậy nên, tôi không cần phải đắn đo quá nhiều khi quyết định đi bộ gần hai cây số ra chợ đầu mối gần nhất để ăn cơm bụi. Thực ra dọc đường chả thiếu gì quán cơm nhưng ở chợ là rẻ nhất. Cũng bởi mình chả có nhiều tiền nên cũng cần tính toán. Hơn nữa, cũng là cách để… tập thể dục.
Bữa nào đi ăn, tôi cũng xách theo cái cặp lồng. Vợ tôi chưa ăn cơm được nên toàn phải mua cháo. Có hôm tôi “đổi món” phở cho cô ấy. Kiểu gì cũng chả ăn được mấy.
Vợ sinh xong chưa thể ăn cơm nên toàn phải ăn cháo.
Khổ thế đấy! Ngày thường đã vậy, giờ lại mổ xẻ, người thì đã quắt queo giờ lại chả ăn được nên càng xanh xao. Đôi khi tôi cũng phát hoảng vì thân hình siêu mỏng của vợ.
Cặp vợ chồng mới cưới đi… đẻ non
Hai vợ chồng hắn mới cưới nhau được 4 tháng nhưng cái thai đã gần sáu tháng rồi. Đi siêu âm, người ta bảo không thấy tim thai nên phải cho ra.
Phương pháp phá thì nguy hiểm. Mổ thì phải “chờ” ba bốn năm nữa mới sinh được nên họ quyết định kích đẻ thường.
Nhưng cô cậu này cũng chả gặp may. Kích đến ngày thứ 3 cũng chả đẻ được. Khi vợ tôi đã mổ được gần ba ngày thì vợ hắn mới… mổ. Rõ khổ! Cứ đày đọa nhau đau đớn mấy ngày trời rồi lại phải mổ! Thà rằng chấp nhận mổ cách đây mấy hôm có phải mát xác không.
Hạnh phúc đôi khi chỉ cần có vậy
Đi ăn cơm với hắn mới thấy cuộc đời cũng còn nhiều khổ hơn cả mình. Hắn chỉ mua cơm. Vì mắm và nước canh “miễn phí” nên hắn chan canh với nước mắm và ăn ngon lành. Hắn bảo hắn không thích ăn thịt ăn cá, ăn canh cho nó nhẹ bụng. Nhưng có lẽ hắn sỹ diện mà nói thế thôi.
Ăn cơm xong, hắn thường mùa cho vợ một bát mỳ. Cũng có vài miếng thịt mỏng dính nổi lềnh phềnh cùng ít hành hoa thả vội. Khẩu phần của vợ hắn xem ra “tươm” hơn rất nhiều khẩu phần ăn của hắn.
Nếu ai nhìn thấy bát mỳ ấy sẽ nghĩ hắn bạc đãi vợ. Nhưng, chính hắn bạc đãi hắn nhiều hơn. Đúng là đến bệnh viện không có tiền thì khổ trăm đường!
Thoát nạn…
Ngày làm thủ tục cho vợ xuất viện tôi mừng không thể tả. Ảnh minh họa
Gần 1 tuần ở bệnh viện thật là dài. Sáng thứ sáu, cô y tá vào kiểm tra vết mổ của vợ tôi và thông báo rằng, chúng tôi có thể về nhà. Tôi vội vã đi làm thủ tục xuất viện.
Lại cái cảnh chen chúc để làm thủ tục. Nhưng lần này, cứ làm xong được một thủ tục, tôi lại thấy nhẹ đi một phần.
Khoảng gần hai tiếng chen lấn, tất cả những thủ tục cần thiết đã giải quyết xong. Vợ tôi đã thu xếp đồ đạc xong nên chúng tôi vui vẻ chào mọi người cùng phòng và dìu nhau xuống cầu thang.
Lúc ra đến ngoài, tôi thoáng thấy cậu bạn đồng cảnh ngộ cũng đang kiễng đôi chân ngắn của mình để ngó vào phòng hành chính. Nhìn thấy tôi, hắn cười toe toét: “Anh chị cũng được về rồi ạ? Em cũng đang làm thủ tục để về đây anh ạ. Ổn rồi”. Tôi bắt tay chúc mừng hắn. Nhưng có lẽ, tôi là người mừng hơn!
Tôi quyết định thuê một chuyến ô tô đưa vợ về nhà. Cảm giác được về nhà cùng đứa con bé nhỏ trên tay mới hạnh phúc làm sao! Đúng là thoát nạn rồi…
Theo Me con