Từ hoang mang, lo lắng, thậm chí đến hoảng loạn… là những cảm xúc chân thật của anh Quang Ngọc khi lần đầu đưa vợ đi sinh nở.
Vài ngày trở lại đây, câu chuyện về một ngày đưa vợ đi đẻ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội do anh Bùi Quang Ngọc chia sẻ đã nhận được rất nhiều sự quan tâm bình luận của đông đảo cộng đồng.
Tâm sự với dí dỏm, chân thật của ông bố trẻ nhận được vô vàn lượt yêu thích trên trang cá nhân. Ảnh chụp màn hình .
Theo đó, ông bố trẻ này đã chia sẻ về những gì mình tận mắt chứng kiến khi đưa vợ đi sinh. Trong câu chuyện mà anh Ngọc kể, có thể thấy ông bố này đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Từ lo lắng, hồi hộp cho đến sợ hãi khi nghe thấy những ‘tiếng thở phì phò, xuýt xoa” của các mẹ bầu, đến những ‘tiếng ùng ục, uỵch uỵch’ của cái máy móc… Rồi cả những cảnh vất vả của ‘đội người nhà’ hay ‘đội chờ sinh’… cũng được ông bố trẻ hài hước nhắc tới.
Câu chuyện mà ông bố trẻ chia sẻ không phải là chuyện mới, thế nhưng những ai đã và đang chuẩn bị làm cha đều cảm nhận được trách nhiệm cao cả của mình trong đó. Với tiêu chí đó, trải nghiệm lần đầu đưa vợ đi sinh của anh Ngọc nhận được rất nhiều lượt chia sẻ, yêu thích, thậm chí nhiều bà vợ còn tag tên chồng của mình vào để ‘học tập’…
Chia sẻ trên một trang tin về hoàn cảnh ra đời của bài viết, ông bố trẻ hóm hỉnh cho biết: “Về bài share trên Facebook, quả thật đó là những gì mình cảm nhận được, vì cũng là lần đầu tiên nên nó khá ‘tàn nhẫn’ với mình. Xem phim các chị đi sinh nhẹ nhàng như thế nào thì thực tế nó lại ngược hoàn toàn. Mình đưa vợ đi sinh, đợi 12 tiếng từ 10h sáng đến 10h tối vợ mới sinh nên tranh thủ viết để giết thời gian. Mình chia sẻ lên Facebook cho vui nhưng cũng rất bất ngờ khi được nhiều người quan tâm đến vậy”.
Có tận mắt thấy vợ đau đẻ như anh Ngọc thì mới cảm nhận được sự vất vả và trách nhiệm của một người đàn ông trong gia đình. Khi đăng tải bài viết trên mạng, anh Ngọc không cảm thấy bị làm phiền mà ngược lại anh còn rất vui. “Vui vì phần nào giúp được các chị em chuẩn bị tâm lý, sau là giúp chị em nói ra được suy nghĩ và trải lòng một cách khách quan cho người chồng của mình, để họ hiểu và yêu thương nhau hơn”, anh Ngọc tâm sự.
Bùi Quang Ngọc sinh năm 1990 và hiện đang là kỹ sư công nghệ thông tin. Còn người vợ được nhắc đến trong dòng tâm sự trên là Nguyễn Thanh Hà, Kỹ sư đảm bảo chất lượng phần mềm.
Nguyên văn những trải nghiệm về lần đầu đưa vợ đi đẻ của ông bố trẻ Quang Ngọc:
“Đưa vợ đi đẻ…
Các thanh niên ạ! Có vợ sáng mắt 1, đưa vợ đi đẻ sáng mắt 7-8 lần.
Sáng đến khám qua một lần rồi họ gộp cả lại, phát cho mỗi người một bộ đồ hoa kín mít từ cổ đến gót chân, đồng phục thì phải, cả đội nối đuôi nhau lên phòng chờ sinh, lẫm chẫm nhìn rõ ngộ.
Có đưa vợ đi đẻ mới biết ‘Thế giới bà bầu’ nó như thế nào. Cao thấp to nhỏ béo gầy xinh xấu đủ cả, tịu chung điểm giống nhau chỉ là có cái bụng tròn tròn và biết động đậy. Ở đây chia rõ ranh giới ‘Team Bà Bầu’ với ‘Team Người Thân’ ấy, tạm gọi là ‘Bên kia hành lang’ nhé!
Bên kia hành lang là thế giới của các mẹ mướp: Phòng chờ sinh, nơi các mẹ mướp chuẩn bị tinh thần lâm trận thì thật là… phức tạp. Tiếng xuýt xoa của các mẹ (chắc vì đau), tiếng phì phò đều đều tập thở điều hòa, lẫn tiếng khóc kêu than (chắc cũng tại đau nốt), tiếng ùng ục, uỵch uỵch của cái máy gì ý nhỏ nhỏ y tá mang vào (sau mới biết là máy đo tim thai).
Cùng với đó là đủ loại sắc thái, nhưng đa phần là nhăn nhó khó khăn, sau nữa là khóc mếu với người nhà. Có một mẹ bầu to uỵch ngồi góc phòng khoe đẻ đứa thứ 3 thì cứ cười hềnh hệch, trông hoang mang lắm các bác ạ. Phía còn lại là bên này hành lang, nơi có sự trợ giúp từ các mẹ và người thân. Phải nói là đông, đông lắm, ngột ngạt lắm các bác ạ.
Ám ảnh thay, trong cái thời tiết Hà Nội 39°C, cùng 5 con Inverter 24k BTU phả hơi nóng liên tục từ trưa vào dãy hành lang kín mít dài 30-40m, rộng… 90cm, với khoảng 50 người sấp ngửa đứng ngồi đủ cả thì quả thật nó như một cái hầm ấy. Mùi người và mùi mồ hôi chua lòm quện lẫn, thật dễ thương.
Được xông hơi bất đắc dĩ trong cái hầm nhân tạo này từ sáng, em cảm giác đã giảm cân nhanh chưa từng thấy, nhưng chưa vui bằng kiến thức mình được mở mang các cụ các mợ ạ. ‘Mở 5 phân rồi’, rồi là ‘làm đẻ không đau rồi’, ‘đẻ rồi nhé, đẻ rồi…’. Từ hoang mang đến hoảng loạn là những gì em thấy, đẻ rồi thì rõ rồi nhé, chứ đẻ không đau thì em mới biết nó là tiếp thuốc giảm đau trong khi sinh.
Vợ em thì đau cũng được vài tiếng rồi, bác sĩ đưa vào phòng chờ sinh, kết nối với mọi người bằng chiếc điện thoại Nokia thần thánh. Gọi nghe vợ hổn hển vì đau mà lòng em cũng thắt lại, đau lắm nhưng chắc thua vợ em cả trăm lần.
Cả bà nội với bà ngoại túc trực từ trưa cùng em thì em đã khuyên 2 bà về nghỉ ngơi. Còn em quyết tâm ‘đơn đấu’ đến sáng nếu cần, luyện tập suốt mùa Euro vừa rồi nên em cũng tự tin phết. Sốt ruột! Thật đó, kiểu ngồi trên đống lửa cũng không bằng ấy…
Ở đây họ cách ly đội ‘Người nhà’ với đội ‘chờ sinh’ các bác ạ. Biệt luôn, không thấy gì, có cái phòng thông tin hỏi đáp gì đó thì vắng hoe, thi thoảng có y tá ló đầu ra hét: ‘Người nhà chị Nguyễn… Hà đâu?’, giật mình phi vào thì được ký mỗi phát rồi đuổi ra. Đảo vội mắt nhìn quanh thì cũng chẳng có ai để hỏi cả, chắc giao ca…
Tầm này người nhà với bạn bè đến thăm, váy ngắn nước hoa thơm phức, khác hẳn mùi mồ hôi chua loét từ chiều các bác ạ. Thăm người mà cứ sexy như catwalk ý, anh trai 3 lỗ khoe body, chị gái váy ngắn quần đùi sát mông, dập dìu dập dìu… Ngứa cả mắt, lại còn ‘vui vẻ’ cười hô hố vì vô tình gặp người quen, kiểu như tỷ năm không gặp ý, đang mệt thì chớ…
Xéo bên trái tý là bên sinh theo yêu cầu, nộp phí ban đầu là 15 triệu. Có anh chồng nhà nọ có vẻ phấn khởi vì được vào lúc vợ sinh. Thế mà em ở ngoài toàn nghe thấy chồng vợ kêu hét ỏm tỏi, cả chửi kiểu phổ nhạc luôn. 20 phút sau, anh chồng kia ra mặt xám ngoét cười hềnh hệch: ‘Xong rồi các bác ạ! Nhìn rõ hãi hùng’.
Nhưng… Có vậy mới biết lòng cha mẹ các bác ạ. Mang nặng đẻ đau, sinh thành dưỡng dục. Trở thành một người cha là đặc ân mà người vợ, 1 trong 2 người phụ nữ quan trọng nhất của đời mình đem lại. Hạnh phúc lắm, cao cả và tự hào lắm… Thương vợ cực, nhưng chỉ biết động viên thôi. Cố lên vợ yêu của anh, luôn có anh sẵn sàng đón em và con.
Cứ bạo mồm rằng: để anh đau hộ, để anh sinh giúp được thì anh sẽ làm… Nhưng thực tế thì sợ hết cả hồn luôn, cứ tận mắt tai nghe thì các bác sẽ hiểu. Thôi tạm vậy đã, đứa sau cụ thể hơn vậy.
Vợ em vẫn nói chuyện với em lúc em viết bài này nhé, không các bác lại tranh thủ trách em không quan tâm mẹ mướp” .
Theo ngoisao