Rụng trứng sau sinh và những điều cơ bản chị em nên lưu ý

0
17

Rụng trứng sau sinh là một dấu hiệu cho thấy cơ thể mẹ đã có thể mang thai trở lại. Thời điểm diễn ra sự rụng trứng sẽ khác nhau đối với từng người và có thể diễn ra khá sớm sau sinh. Vì vậy chúng ta hãy cùng xem khoảng thời gian mà hiện tượng này có thể xảy ra như thế nào, để có kế hoạch cho cuộc sống sau sinh một cách phù hợp nhé.

Rụng trứng sau sinh là dấu hiệu cho thấy cơ thể mẹ đã có thể mang thai trở lại. Ảnh Internet

1. Sau sinh bao lâu thì trứng rụng và chu kỳ kinh nguyệt quay trở lại?

Một đánh giá vào năm 2011 của những nghiên cứu cho thấy trung bình, phụ nữ bắt đầu rụng trứng và có chu kỳ trở lại trong vòng 45-94 ngày sau khi sinh. Hầu hết phụ nữ không rụng trứng ít nhất 6 tuần sau sinh con, nhưng có một số trường hợp hiện tượng này diễn ra sớm hơn.

Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp trứng rụng và chu kỳ kinh nguyệt quay trở lại rất muộn, có thể 1 năm hoặc hơn. Điều này phụ thuộc vào cơ địa cũng như thời gian cho trẻ bú sữa mẹ.

Thông thường, phụ nữ không cho con bú mẹ sẽ rụng trứng trở lại sớm hơn so với những người cho con bú mẹ. Tuy nhiên, vẫn không có gì là chắc chắn về thời điểm chính xác trứng sẽ rụng sau khi sinh. Điều này có nghĩa là, việc mang thai có thể xảy ra trước khi kỳ kinh nguyệt đầu tiên quay trở lại.

Trong quá trình mang thai, hormone thai kỳ gây thay đổi nội tiết tố và cơ thể sẽ mất một khoảng thời gian nhất định để trở lại bình thường. Do vậy đối với nhiều phụ nữ, những chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên sau sinh thường không đều.

Phụ nữ bắt đầu rụng trứng và có chu kỳ trở lại trong vòng 45-94 ngày. Ảnh Internet

2. Bạn có thể có thai trở lại khi đang cho con bú mẹ không và nên áp dụng phương pháp tránh thai như thế nào?

Việc cho trẻ bú mẹ sẽ khiến cơ thể tiết hormone ức chế rụng trứng, tuy nhiên cơ chế này không phải lúc nào cũng có tác dụng, vì vậy khả năng mang thai trong thời gian đang cho con bú là hoàn toàn có thể xảy ra.

Một số phụ nữ sử dụng việc cho con bú như một biện pháp tránh thai. Các bác sỹ gọi đây là phương pháp vô kinh tiết sữa (lactational amenorrhea method – LAM). Theo CDC – Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, thì để áp dụng phương pháp này, bạn cần đáp ứng đủ 3 điều kiện sau:

  • Em bé phải dưới 6 tháng tuổi. Vì sau 6 tháng trẻ bú mẹ ít thường xuyên hơn làm tăng khả năng rụng trứng
  • Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn theo nhu cầu, với các cữ bú cách nhau không quá 4-6 giờ
  • Bạn chưa có kinh nguyệt trở lại

Một thách thức lớn của phương pháp này là khó áp dụng một cách chính xác. Việc đi xa trẻ qua đêm hoặc làm việc nhiều, có thể tạo ra nhiều khoảng trống giữa các cữ bú làm cho phương pháp này kém hiệu quả. Tuy nhiên,  nếu áp dụng đúng (đủ 3 điều kiện trên) thì việc tránh thai tự nhiên như thế, có thể đạt hiệu quả tới 98% trong 6 tháng đầu sau sinh.

Sau 6 tháng, LAM sẽ trở nên kém hiệu quả. Nếu bạn không cân nhắc việc tiếp tục mang thai ngay thì nên nghĩ đến một biện pháp tránh thai khác như bao cao su hay thuốc tránh thai dành cho phụ nữ đang cho con bú.

Tránh thai bằng cách cho con bú có thể đạt hiệu quả cao trong 6 tháng đầu sau sinh nếu mẹ hội tụ đủ các điều kiện. Ảnh Internet

3. Nên đợi bao lâu để tiếp tục mang thai

Việc mang thai lần nữa quá sớm sau khi sinh làm tăng nguy cơ dẫn đến kết quả bất lợi cho cả mẹ và bé. Quá trình phục hồi sau sinh cần có thời gian, đặc biệt nếu có biến chứng ở thai kỳ trước.

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, 24 tháng là khoảng cách an toàn nhất cho một thai kỳ tiếp theo. Một số tổ chức khác khuyên phụ nữ nên đợi ít nhất 18 tháng trước khi tiếp tục mang thai.

Phụ nữ bị sảy thai, thai chết lưu, băng huyết hoặc sinh mổ có thể phải chờ đợi lâu hơn. Tốt nhất, bạn nên trao đồi với bác sỹ hoặc đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và tư vấn việc mang thai lần 2 sau sinh một cách an toàn nhất.

24 tháng là khoảng cách an toàn cho thai kỳ tiếp theo sau sinh. Ảnh Internet

Một số phụ nữ không thể tưởng tượng được việc tiếp tục mang thai sau khi sinh con đầu. Tuy nhiên một số người khác lại không thể chờ đợi để lên kế hoạch có con cho việc sinh em bé tiếp theo.

Không có đúng hay sai trong cảm nhận về việc mang thai sau khi sinh con. Nhưng những cân nhắc thực tế – bao gồm cả mang thai có thể làm gián đoạn việc cho trẻ bú mẹ, và sự an toàn của thai kỳ ngay sau sinh – sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết định về thai kỳ tiếp theo.

Ngoài ra, các khuyến nghị về việc khi nào thì quan hệ tình dục là an toàn sau sinh cũng khác nhau, nhưng tốt nhất bạn nên đợi đến khi không còn tiết sản dịch, không còn đau và bản thân muốn quan hệ.

Quan hệ an toàn và chọn biện pháp tránh thai phù hợp hiệu quả trong thời gian sau sinh là điều cần thiết. Ảnh Internet

Như vậy, bạn nên lưu ý về hiện tượng rụng trứng sau sinh càng sớm càng tốt, để đảm bảo không có việc gì ngoài ý muốn xảy ra. Vì sau sinh là thời điểm bạn cần dành rất nhiều thời gian và sức lực cho việc chăm sóc em bé, cũng như phục hồi sức khỏe. Việc một thai kỳ tiếp theo xảy đến với khoảng cách quá gần không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng – không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn và em bé mới sinh, mà còn có thể tạo ra những kết quả bất lợi khác như: khó khăn về tài chính, người chăm sóc trẻ, hay sự xáo trộn trong gia đình. Do vậy, bạn đừng chủ quan mà hãy có sự chuẩn bị một cách hợp lý, để mỗi thai kỳ của bạn đều diễn ra một cách an toàn và vui vẻ nhé.

Theo Medical News Today

Lily Nguyễn lược dịch

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận