Nếu muốn con cái mình có đam mê, sự sáng tạo mà không phải nhồi nhét quá nhiều kiến thức bố mẹ có thể lựa chọn phương pháp giáo dục Steiner. Đây được xem là một trong những phương pháp giáo dục khác biệt, bởi ở Steiner không đặt nặng chuyện học ngày học đêm, không đánh giá theo điểm số, mà trẻ sẽ được sống và phát triển tính cách của bản thân, gắn liền sự gợi mở tư duy một cách độc lập.
1. Phương pháp giáo dục Steiner là gì?
Khi đứa con chào đời, điều bố mẹ lo lắng nhất chính là việc nuôi dạy con cái mình thế nào để trẻ nên người. Cũng vì lo lắng đi kèm với sự kỳ vọng lớn lao nên đa phần đều hướng con cái mình đi theo một con đường được định sẵn. Điều này vô tình khiến những đứa trẻ trở nên giống nhau về kiến thức, khuôn mẫu thành công hay kể cả việc nghĩ suy về cuộc đời.
Vậy làm thế nào để con cái mình phát huy được những tố chất riêng biệt mà “con nhà người ta” không có? Câu trả lời này nằm ở phương pháp giáo dục Steiner.
Ra đời vào năm 1919, phương pháp giáo dục Steiner do nhà triết học Rudolf Steiner (sinh tại Áo) sáng lập. Điểm cốt lõi của phương pháp giáo dục này là việc hướng đến những cá nhân tự do, có lý tưởng sống lẫn đam mê bất diệt. Năm 1928, trường học đầu tiên ở Mỹ áp dụng phương pháp giáo dục Steiner và đến nay trên toàn thế giới có hàng ngàn trường học các cấp, trung tâm chăm sóc trẻ em lẫn nhiều gia đình lựa chọn để giáo dục con em mình.
Điều gì khiến suốt 100 năm qua phương pháp giáo dục Steiner vẫn là một sự lựa chọn hấp dẫn với nhiều trường học, gia đình? Câu trả lời ở chính những khác biệt mà phương pháp giáo dục này mang lại dưới đây:
- Phương pháp giáo dục Steiner chống “bệnh thành tích” trong giáo dục : Chúng ta vẫn thường ca cẩm chuyện giáo dục nước nhà quá nặng nề và ưa thành tích “ảo”. Chúng ta vẫn thường lo lắng chuyện con mình phải ngày học, đêm học khiến những đứa trẻ trở nên khô khan, giáo điều. Đó là do phương pháp giáo dục hiện hành không chú ý đến sự tự do của trẻ. Hay chính bố mẹ giáo dục con trẻ cũng đang đi trên lối mòn hoặc lựa chọn cứng nhắc. Điều này khác hoàn toàn với phương pháp giáo dục Steiner. Khi trẻ được học tập theo phương pháp giáo dục Steiner thì ngay từ đầu trẻ được chú trọng vào 3 yếu tố cốt lõi của con người: Suy nghĩ – Cảm xúc – Ý chí.
- Học theo phương pháp giáo dục Steiner để trẻ luôn có đam mê riêng biệt : Nhà triết học Steiner quan niệm rằng mỗi đứa trẻ sinh ra đã có một ý chí riêng và mãnh liệt. Vì thế hãy để trẻ lớn lên với khát vọng, quyết tâm, ý chí của riêng từng trẻ. Gia đình hay nhà trường chỉ là nơi nuôi dưỡng, phát triển ý chí đó bằng những hoạt động trải nghiệm mà thôi.
- Học theo phương pháp giáo dục Steiner là học với niềm vui : Điểm khác biệt lớn nhất của phương pháp giáo dục này chính là việc khơi gợi sự sáng tạo, say mê có sẵn trong mỗi đứa trẻ. Cũng như một sứ phương pháp giáo dục nổi tiếng khác, Giáo dục Steiner không nhồi nhét kiến thức, học để gợi mở tư duy của trẻ chứ không phải học để “làm vừa lòng” bố mẹ.
- Phương pháp giáo dục Steiner nuôi dưỡng trí tưởng tượng cho trẻ : Triết lý giáo dục của phương pháp Steiner chính là việc nuôi dưỡng trí tưởng tượng cho trẻ, khi áp dụng phương pháp này nhà trường, gia đình sẽ không áp đặt thành tích lẫn quyền uy, không đánh giá theo khuôn mẫu “con nhà người ta”, không phán xét học trò, con cái. Bên cạnh đó, phương pháp giáo dục Steiner nhấn mạnh một điều rất lý thú rằng “một con người sẽ không được đánh giá qua sự thành công, tiền bạc hay địa vị” – điều mà dường như đi ngược với thế giới phù phiếm này.
- Nhà trường, thầy cô, bố mẹ chính là hình mẫu về chân – thiện – mỹ : Khi áp dụng phương pháp giáo dục Steiner học sinh, con cái sẽ học được thái độ sống, nhân cách từ chính những người dạy. Đây cũng là chuẩn mực về đạo đức, hình thành nên lối sống cho trẻ khi trưởng thành.
- Môn học ở phương pháp giáo dục Steiner đa dạng, phong phú : Khi áp dụng phương pháp giáo dục này bạn sẽ thấy không có “môn chính, môn phụ” mà trẻ sẽ được học nhiều điều hay ho khác nữa. Ví dụ ngoài toán, khoa học… thì trẻ sẽ được học thêm hội họa, kịch, điêu khắc…
2. Nội dung phương pháp giáo dục Steiner như thế nào?
Tùy vào từng giai đoạn phát triển của trẻ sẽ có một nội dung phương pháp giáo dục Steiner khác nhau. Có thể chia làm 3 giai đoạn chính về phương pháp giáo dục Steiner như sau:
- Giai đoạn trẻ học mầm non : Theo phương pháp giáo dục Steiner ở giai đoạn mầm non, trẻ phải sống như trong những câu chuyện cổ tích mà bố mẹ vẫn kể cho trẻ nghe mỗi ngày. Điều này có nghĩa là trẻ mầm non phải được vui chơi thoải mái, phải được hòa mình vào thiên nhiên, và phải tránh những buổi học như chúng ta đang có.
Phương pháp giáo dục Steiner nhấn mạnh việc phát triển trí tưởng tượng của trẻ ở giai đoạn này nên gia đình, nhà trường phải thôi việc bắt trẻ “ê a” theo những chủ đề có sẵn, cũng không được kìm giữ sở thích hay hình thành ý thức phán xét nơi trẻ.
Nói tóm lại, giai đoạn mầm non, theo phương pháp giáo dục Steiner trẻ phải được tự do chơi. Đây cũng là cách mà ông chủ mạng xã hội Facebook lựa chọn khi con gái ông chào đời ông đã viết thư, trong đó có đoạn: “Bố mong con sẽ chạy thật nhiều vòng quanh phòng khách và vườn nhà mình. Và bố cũng mong con sẽ ngủ trưa thật nhiều”.
- Giai đoạn trẻ học tiểu học : Đây mới là giai đoạn bé bắt đầu học thực sự nhưng là học trong cảm xúc thích thú, say mê chứ không phải học trong lo âu, sợ hãi. Theo phương pháp giáo dục Steiner, ở cấp tiểu học trong từng môn học trẻ sẽ được tạo sự hứng khởi, nuôi dưỡng xúc cảm về môn học đó. Giai đoạn này trẻ sẽ học không chỉ bằng tư duy logic như các phương pháp khác, mà học bằng trải nghiệm, bằng toàn bộ cơ thể, gắn với những điều tốt đẹp, nhằm đánh thức chân – thiện – mỹ có trong mỗi trẻ.
- Giai đoạn trẻ học trung học : Vì đã trải qua phương pháp giáo dục Steiner ở hai cấp trước đó nên trẻ đã có một nền tảng chắc chắn. Ở cấp học này bên cạnh tư duy logic, trừu tượng trẻ còn được rèn luyện tư duy phản biện. Và theo đánh giá của nhiều nhà giáo dục, trong giai đoạn trung học “trình độ” của trẻ đã tiệm cận mức chuyên nghiệp.
3. Giáo dục con cái theo phương pháp Steiner có lợi ích gì?
Chúng ta có thể hình dung nền giáo dục hiện tại giống như một “cái khuôn” mà sản phẩm (là con cái chúng ta) đều giống nhau. Liệu rằng điều chúng ta mong muốn cuối cùng là con mình “bằng bạn bằng bè”, “như con nhà người ta”? Hay chúng ta mong muốn con mình sẽ có một cuộc sống riêng biệt, con mình có đam mê, năng lực và hiểu thấu chính mình?
Thiết nghĩ, điều bố mẹ mong không gì khác ngoài việc con cái mình sẽ có một cuộc sống hạnh phúc. Và để con cái hạnh phúc không gì hơn là việc tạo điều kiện để con cái tự do khám phá, tìm hiểu chính mình lẫn cuộc sống. Đó cũng chính là “lợi ích” mà phương pháp giáo dục Steiner mang lại: Những con người vượt ra khỏi nỗi sợ hãi truyền thống, uy quyền, theo đuổi đam mê của chính mình (thay vì theo đuổi sự công nhận của người khác).
Bên cạnh đó, phương pháp giáo dục Steiner còn giúp con cái chúng ta hiểu chính mình, biết đâu là điểm mạnh của bản thân, để từ đó xây dựng đam mê cá nhân, tìm kiếm một lối đi riêng trong không khí không sự hãi, không lo bị trừng phạt lẫn không háo hức chờ thưởng.
Nếu trẻ được giáo dục theo phương pháp Steiner thì lớn lên sẽ biết “mình muốn gì”, thay vì “bố mẹ muốn mình muốn gì”. Điều này rất cần thiết, bởi chúng ta đã thấy tình trạng ở Việt Nam, học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông vẫn còn loay hoay với câu hỏi “chọn ngành gì đây?”, hoặc “bố mẹ đã chọn cho con ngành này, cứ thế mà học”. Và hậu quả thì chúng ta cũng rõ, những đứa trẻ lớn lên không có lấy những ngày vui vì phải làm điều mà mình không hề thích thú.
Sau cùng, phương pháp giáo dục Steiner là một trong các phương pháp giáo dục cực tốt mà nhà trường, gia đình có thể chọn lựa. Nếu như bạn đã từng rất ấn tượng với phương pháp giáo dục nổi tiếng như phương pháp giáo dục Montessori , qua nội dung chia sẻ trên, hẳn bạn đã biết thêm chi tiết về một phương pháp giáo dục trẻ khác nữa rất tuyệt vời như phương pháp giáo dục Steiner. Với riêng những ai muốn con cái, học sinh của mình thực sự tìm thấy niềm vui trong học tập, theo nhiều đánh giá, phương pháp giáo dục Steiner thực sự có thể được xem là một trong những lựa chọn chính xác nhất.
Đức Lộc tổng hợp