Ốm nghén ở tháng thứ tư là một tình trạng vẫn xuất hiện ở một số mẹ bầu. Dù chúng ta vẫn biết rằng hầu hết phụ nữ mang thai đều trải qua một mức độ ốm nghén nào đó. Tuy nhiên, nó thường sẽ kết thúc khi bước qua tháng thứ tư của thai kỳ, hay tam cá nguyệt thứ hai. Vậy nguyên nhân nào khiến một số chị em vẫn còn bị ốm nghén ở tháng thứ tư. Và đây có phải trường hợp bình thường hay không. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
1. Ốm nghén ở tháng thứ tư có thường gặp hay không
Ốm nghén là tình trạng khá phổ biến mà hầu như mọi mẹ bầu đều ít nhiều trải qua. Hầu hết phụ nữ sẽ có cảm giác buồn nôn khi mang thai. Trong khi khoảng một phần ba các bà mẹ tương lai bị nôn trong thai kỳ.
Ốm nghén thường bắt đầu xuất hiện vào tháng đầu tiên khi bạn mang thai và kéo dài đến khoảng tuần thứ 14 – 16 của thai kỳ (tháng thứ 3 hoặc 4).
Phần lớn các trường hợp bị ốm nghén ở tháng thứ tư là bình thường. Điều này có thể do đặc điểm thể chất của mẹ bầu. Mẹ sẽ sớm giảm các triệu chứng này khi bước vào những tháng mang thai tiếp theo.
Tuy nhiên, một số phụ nữ vẫn bị ốm nghén ở tháng thứ tư với mức độ không những không giảm xuống mà còn ngày càng tăng. Chúng cũng không có xu hướng chấm dứt mà kéo dài cho đến tam cá nguyệt thứ ba, thậm chí đến lúc mẹ sinh. Những người này có thể được xếp vào nhóm bị ốm nghén nặng hay ốm nghén kéo dài . Đây là tình trạng mà mẹ có biểu hiện buồn nôn, nôn hoặc mệt mỏi nghiêm trọng. Những mẹ bầu rơi vào nhóm đặc biệt này thường cần được theo dõi và điều trị. Nếu không, mẹ có thể bị mất nước, thiếu dinh dưỡng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân mẹ và sự phát triển của em bé trong bụng.
2. Mẹ nên làm gì khi bị ốm nghén ở tháng thứ tư
Khi bị ốm nghén ở tháng thứ tư, nếu các triệu chứng của mẹ:
- Không trở nên nghiêm trọng.
- Không có xu hướng tăng lên về cường độ cũng như tần suất.
- Mẹ không bị ảnh hưởng nhiều về sức khỏe cũng như sinh hoạt hàng ngày, thì có khả năng thời gian ốm nghén của mẹ kéo dài hơn những mẹ khác. Do thai kỳ của mỗi phụ nữ đều khác nhau, nên điều này là bình thường. Lúc này mẹ không cần quá lo lắng. Hãy tiếp tục lưu ý chế độ dinh dưỡng và kế hoạch ăn uống lành mạnh , vận động điều độ. Như vậy sức khỏe của mẹ sẽ được đảm bảo và mẹ sẽ có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc sinh nở.
Nếu mẹ nhận thấy các triệu chứng ốm nghén của mình:
- Ngày càng nặng hơn.
- Khiến mẹ kiệt sức, ngất xỉu hay giảm cân.
- Khiến mẹ không thể duy trì sinh hoạt và công việc hàng ngày, thì mẹ nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn các biện pháp can thiệp phù hợp. Đó có thể là điều chỉnh các loại viên uống bổ sung, truyền dịch, vitamin, hoặc thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm để đề phòng những bệnh lý bất thường (ví dụ như thai trứng ).
Ngoài ra, mẹ có thể áp dụng một số phương pháp tại nhà để giúp mình thấy dễ chịu, thoải mái hơn. Chúng bao gồm:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống. Ví dụ như ăn đồ ăn nhạt hơn, ăn các món lạnh, tránh các món nhiều gia vị, nhiều chất béo để giảm mức độ kích thích lên vị giác – một nhân tố dễ dẫn đến buồn nôn và nôn.
- Tránh ăn các bữa ăn lớn mà hãy chia thành nhiều bữa nhỏ. Bạn có thể chuẩn bị sẵn một ít bánh quy dinh dưỡng cho bà bầu hay bánh mì lạt cạnh giường ngủ. Việc ăn một chút những loại thực phẩm này khi bạn vừa ngủ dậy, trước khi ngủ, hay khi thức dậy để đi vệ sinh sẽ giúp bạn đỡ buồn nôn hơn. Những loại thực phẩm với thành phần chính là gừng như trà, kẹo, soda,…hoặc một số loại như thạch,bánh quy mặn,…cũng có tác dụng tích cực giảm buồn nôn do ốm nghén.
- Giữ không gian sống của bạn được thông thoáng. Điều này sẽ giúp giảm các loại mùi khiến bạn dễ bị buồn nôn.
- Uống vitamin dành cho bà bầu vào buổi tối. Tăng cường các thực phẩm giàu vitamin B6 như ngũ cốc, các loại hạt, các loại đậu. Hoặc bạn cũng có thể trao đổi với bác sĩ về việc dùng viên uống bổ sung loại vitamin này.
Bên cạnh những cách trên, một số phương pháp khác cũng có thể giúp giảm ốm nghén ở tháng thứ tư như miếng dán chống buồn nôn hay châm cứu. Tuy nhiên, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng chúng. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách dùng hoặc nơi được đào tạo chuyên môn đối với phụ nữ mang thai để đảm bảo an toàn cho bạn và em bé.
Bạn cũng cần lưu ý nên tránh sử dụng bất kì loại thuốc chống nôn nào nếu không có chỉ định từ bác sĩ sản khoa.
3. Ốm nghén ở tháng thứ tư có đáng lo ngại không
Ốm nghén thông thường dù là ốm nghén ở tháng thứ tư hay sau đó cũng hầu như không ảnh hưởng xấu đến em bé. Trừ khi mẹ bị nôn ói nặng dẫn đến mất sức, giảm cân, mệt mỏi. Và cho dù trong trường hợp này, bạn vẫn có thể nhờ đến sự can thiệp y tế để giúp cải thiện tình hình.
Sự căng thẳng có thể khiến tình trạng của bạn trở nên nặng hơn. Do vậy, điều quan trọng là bạn hãy cố gắng đừng quá lo lắng. Hãy giữ tinh thần lạc quan, vì nó sẽ có tác động tích cực đến cả bạn và em bé. Bạn cũng hãy áp dụng một phương pháp khiến cho bản thân cảm thấy dễ chịu, thoải mái nhất. Vì mỗi phụ nữ đều khác nhau, và mỗi thai kỳ cũng như vậy. Bạn không nhất thiết phải làm theo bất cứ kinh nghiệm của người nào khác nếu nó không giúp mọi thứ cải thiện tốt hơn.
Ốm nghén ở tháng thứ tư không phải lúc nào cũng là biểu hiện của xu hướng ốm nghén nặng trong những tháng mang thai còn lại của bạn. Sự thay đổi hormone gây ra tình trạng này có thể kéo dài hay sớm biến mất. Điều này phụ thuộc nhiều vào cơ địa và thai kỳ của bạn. Bạn hãy đảm bảo chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động điều độ cũng như khám thai đúng lịch hẹn. Đây là những việc tốt nhất bạn có thể thực hiện để giúp thai kỳ của mình tiến triển một cách khỏe mạnh và an toàn.
Theo Penn State Health
Lily Nguyễn lược dịch