Ốm nghén ở đàn ông (hội chứng Couvaden hay mang thai đồng cảm) là cụm từ nghe khá ngược tự nhiên nhưng có lẽ chúng ta không phải chưa từng nghe qua. Đối với một số cặp đôi khi có thai, thay vì vợ bị ốm nghén thì chồng lại bị “hành hạ” bởi cảm giác buồn nôn, thèm ăn,…Người ta thường gọi đây là tình trạng ốm nghén thay vợ. Vậy vì sao sao lại có hiện tượng này xảy ra, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
1. Ốm nghén ở đàn ông là gì
Ốm nghén ở đàn ông là biểu hiện không tự nguyện của thai kỳ ở những người đàn ông có bạn đời đang mang thai. Chúng ta vẫn thường nghe nói hiện tượng này là chồng nghén thay vợ . Nó có thể biểu hiện qua những rối loạn về mặt thể chất hay tinh thần mà “đáng lẽ” xuất hiện ở mẹ bầu hơn.
Một loạt các triệu chứng về thể chất và tâm lý liên quan đến hiện tượng này bao gồm:
- Về thể chất : đau bụng, đầy hơi, đau lưng, buồn nôn, nôn, thèm ăn, sợ đồ ăn
- Về tâm lý : trầm cảm, thay đổi tâm trạng, lo lắng, kém tập trung, hay quên
Harry Ashby, một nhân viên bảo vệ 29 tuổi đã được chấp nhận cho nghỉ phép vì bị buồn nôn vào buổi sáng, thèm ăn, bao tử và ngực lớn hơn. Tình trạng này xảy ra khi bạn gái anh có thai. Anh được người khác cho biết là mình bị ốm nghén – nghe có vẻ buồn cười nhưng thực tế có xảy ra.
2. Ốm nghén ở đàn ông có phổ biến không
Hội chứng ốm nghén thay vợ hay vợ bầu chồng nghén khá phổ biến ở những nước phát triển, tuy nhiên số trường hợp cụ thể ở mỗi nước lại khác nhau.
Khi bị ốm nghén “dùm” vợ, các anh cũng trải qua các triệu chứng từ nhẹ đến nặng khớp theo mô hình thời gian. Chúng bắt đầu ở tam cá nguyệt thứ nhất, tạm biến mất ở tam cá nguyệt thứ hai và quay lại vào những tháng cuối thai kỳ. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, các triệu chứng này kéo dài tới sau khi em bé chào đời.
3. Vì sao lại có hiện tượng ốm nghén ở đàn ông
Tình trạng ốm nghén ở đàn ông xảy ra có thể sự đồng cảm và muốn chia sẻ với bạn đời trong giai đoạn mang thai. Chúng còn có khả năng là biểu hiện của những suy nghĩ vô thức mà cả hai đã hoặc đang lo sợ về quá trình mang thai của mình.
Một số lý thuyết được đưa ra để giải thích hiện tượng trên bao gồm:
3.1. Lý thuyết về phân tâm học
Theo lý thuyết về phân tâm học thì tình trạng ốm nghén ở đàn ông phát triển từ sự ghen tị đối với khả năng sinh sản ở phụ nữ.
Cũng theo lý thuyết này, đối với phái mạnh, việc sắp trở thành bố là chất xúc tác khiến anh ta hồi tưởng lại thời thơ ấu. Anh sẽ xuất hiện những cảm xúc xung đột với nhau từ lo lắng, phủ nhận,…Những cảm xúc này cùng với cảm giác thụ động và phụ thuộc, sẽ tăng dần khi thai nhi phát triển.
Một lý thuyết phân tâm học thứ hai cho rằng người bố tương lai đôi khi có thể xem đứa trẻ chưa sinh là đối thủ đối với sự chú ý của người mẹ. Và những triệu chứng này được xem như sự phản ứng thể hiện bản năng “tự vệ” trước khả năng sự quan tâm với mình bị chuyển hướng.
3.2. Lý thuyết về tâm lý xã hội
Lý thuyết tâm lý xã hội, trong hoàn cảnh xã hội lại giải thích hiện tượng ốm nghén của đàn ông theo một cách khác. Ở đây, sự “ra rìa” của đàn ông trong thời kỳ thai nghén và sinh con của phụ nữ được nhấn mạnh. Đặc biệt đối với trường hợp những người đàn ông có con đầu lòng.
Trong khi làm mẹ là được xem là thiên chức của người phụ nữ, thì đặc điểm này có thể không đúng với việc làm cha. Một người phụ nữ mang thai và làm mẹ sẽ được cả xã hội công nhận về mặt thương mại, xã hội và y tế. Điều này trái ngược với sự nghiệp của người đàn ông.
Việc đàn ông không thể thực sự sinh con hoặc trải nghiệm cảm giác mang thai và sinh nở trực tiếp, khiến họ rơi vào vai trò phụ trợ và đôi khi cảm thấy mình vô dụng. Để giải quyết tình trạng này, người đàn ông vô tình chuyển sự chú ý từ vợ sang bản thân mình. Sự chú ý này thể hiện qua các triệu chứng Couvade – hay ốm nghén thay vợ.
Điều này ngụ ý rằng hội chứng Couvade là một thực thể có ý thức, nhưng có nhiều người phản đối lý thuyết này.
3.3. Lý thuyết về sự chuyển đổi và khủng hoảng
Lý thuyết này đề xuất rằng việc làm cha có khả năng gây ra khủng hoảng về tâm lý cho người đàn ông. Vì việc mang thai lúc này được xem là cuộc đấu tranh rất căng thẳng của “bộ ba” gồm bố, mẹ và em bé tương lai.
Đối với phái mạnh, thai kỳ là một quá trình chuyển đổi mang tính “thảm khốc” trong cuộc đời. Đàn ông chấp nhận việc có con nhưng lại không chấp nhận những thay đổi về mặt thể lý. Khác với phụ nữ, họ thiếu những dấu ấn sinh học của quá trình chuyển sang làm cha. Đồng thời, họ bị tâm lý ghen tuông, ganh đua với em bé chưa sinh gây mâu thuẫn mãnh liệt. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số người mắc khủng hoảng tâm lý trong giai đoạn này.
3.4. Lý thuyết gắn bó
Có một nghịch lý rằng những người đàn ông chuẩn bị kỹ lưỡng cho vai trò làm cha lại dễ bị hội chứng Couvade hơn. Theo lý thuyết gắn bó thì người đàn ông gần gũi với thai nhi trong suốt thai kỳ sẽ tạo nên mối liên hệ mật thiết. Nó được phản ánh qua các triệu chứng về thể lý và tâm lý của hội chứng ốm nghén dùm vợ. Phổ biến nhất gồm các biểu hiện: mệt mỏi, khó ngủ, khó tiêu, đau dạ dày, thay đổi khẩu vị, táo bón.
3.5. Sự tác động của hormone
Dù không phổ biến nhưng có một số trường hợp rơi vào hội chứng Couvade được cho rằng có liên quan đến sự thay đổi hormone. Đó là sự gia tăng prolactin và oestrogen ở người chồng trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba, trong khi nồng độ teststerone và cortisol thấp hơn. Sự thay đổi hormone này được liên kết với các hành vi khác thường trước sinh ở phụ nữ cũng như đàn ông. Đặc biệt là biểu hiện mệt mỏi, thay đổi khẩu vị và tăng cân.
Ốm nghén ở đàn ông đã được các chuyên gia và nhà nghiên cứu giải thích bởi rất nhiều lý thuyết khả thi. Mặc dù vậy, có vẻ như chưa lý thuyết nào đạt được độ chính xác một cách hoàn hảo. Bởi vì ngay cả ở phụ nữ, mọi thứ liên quan đến việc mang thai không phải đều được giải đáp bằng khoa học. Nhiều khía cạnh của thai kỳ vẫn còn mang tính bí ẩn. Hiện tượng này ở phái mạnh còn khó giải thích hơn nhiều. Tuy nhiên, dù lý do của hội chứng Couvade có là gì đi nữa, thì nó cũng là một cách phản ánh tình cảm và sự mong đợi của những ông bố đối với em bé tương lai của mình.
Theo Washington Post
Lily Nguyễn lược dịch