Ốm nghén ngủ là một trong những dạng ốm nghén khá phổ biến đối với mẹ bầu khi mới mang thai. Dù tình trạng này không ảnh hưởng nhiều về mặt sức khỏe của bạn, nhưng đôi khi nó có thể khiến sinh hoạt hoặc công việc hàng ngày của bạn bị gián đoạn vì cơn buồn ngủ. Vậy làm thế nào để sống chung với những cơn ốm nghén này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
1. Vì sao bạn lại bị ốm nghén ngủ
Thủ phạm đầu tiên thường bị nhắc đến đối với mọi tình trạng ốm nghén, kể cả ốm nghén ngủ, đó chính là sự thay đổi hormone khi bạn mang thai. Khi mới có thai , sự gia tăng nồng độ progesterone khiến bạn muốn ngủ nhiều hơn. Bên cạnh đó, nồng độ estrogen tăng lên có thể gây ra hiện tượng “buồn” chân, khiến bạn khó ngủ vào ban đêm. Điều này dẫn đến việc bạn bị mệt mỏi và buồn ngủ hơn vào ban ngày.
Ngoài ra, có một số yếu tố cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị ốm nghén ngủ. Đó là:
- Tình trạng “buồn” chân. Ngoài estrogen thì thiếu acid folic và sắt cũng có thể khiến bạn bị buồn chân và khó ngủ giấc đêm.
- Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản. Ở đáy thực quản của chúng ta có một vòng cơ có nhiệm vụ đóng/ mở đúng lúc để đưa thức ăn vào dạ dày. Tuy nhiên, khi mang thai, áp lực cộng với sự thay đổi homrone làm cho chiếc van này bị lỏng lẻo. Nó khiến acid dạ dày và thức ăn trào ngược vào thực quản. Đây là nguyên nhân khiến mẹ bị khó ngủ hoặc ngủ không ngon vào ban đêm, dẫn đến tình trạng buồn ngủ vào ban ngày.
- Tình trạng mất ngủ khi mang thai , đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba. Bạn có thể thấy mình dành nhiều thời gian trên giường nhưng lại không ngủ đủ hoặc có giấc ngủ không chất lượng. Điều này là do chứng đau nhức cũng như mức độ lo lắng và căng thẳng tăng nhiều khi mang thai.
- Ngưng thở khi ngủ giấc dài vào ban đêm. Do sự thay đổi nội tiết tố và sinh lý mà một số phụ nữ bị ngưng thở khi ngủ gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Tuy tình trạng này có thể tự hết sau khi sinh, nhưng bạn vẫn nên báo cho bác sĩ biết để được kiểm tra.
- Thường xuyên đi tiểu có thể gây ốm nghén ngủ. Điều này nghe có vẻ không liên quan nhưng thực tế lại xảy ra rất phổ biến. Vì khi mang thai, dù ở giai đoạn sớm, bạn đã có thể phải ghé thăm nhà vệ sinh nhiều hơn bình thường. Chỉ cần 2 – 3 lần thức dậy giữa đêm đã có thể khiến giấc ngủ của bạn không còn ngon nữa. Vì vậy, thật dễ hiểu khi ban ngày bạn lại bị ốm nghén ngủ.
2. Ốm nghén ngủ ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc của bạn như thế nào
Dù bạn vẫn đi làm bình thường trong thời gian mang thai hay không, tình trạng ốm nghén ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc hàng ngày của bạn.
Do những cơn buồn ngủ khiến bạn không được thoải mái và tỉnh táo, nên chất lượng các hoạt động và công việc thường ngày của bạn có thể bị giảm xuống. Điều này sẽ dễ khiến tình trạng lo lắng, áp lực và căng thẳng – vốn đã sớm bắt đầu khi bạn có thai – càng nghiêm trọng hơn.
Toàn bộ các vấn đề này sẽ trở thành một vòng luẩn quẩn khi bạn ngủ không ngon vào ban đêm – ốm nghén ngủ vào ban ngày – ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc – bị lo lắng và áp lực tinh thần – ban đêm ngủ không ngon…
Chính vì vậy, nếu tình trạng này kéo dài, sức khỏe về thể chất và tinh thần của bạn rất có thể bị tác động một cách tiêu cực.
3. Làm thế nào để cải thiện tình trạng ốm nghén ngủ
Ngoài sự thay đổi hormone khi mang thai thì giấc ngủ đêm không chất lượng và tình trạng mệt mỏi cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc bạn bị ốm nghén ngủ. Vì vậy, để cải thiện ốm nghén ngủ thì chúng ta phải giải quyết vấn đề từ gốc. Đó chính là, bạn cần cải thiện chất lượng giấc ngủ ban đêm cũng như tình trạng mệt mỏi của cơ thể.
Để làm được điều này, bạn có thể áp dụng một số cách sau:
- Sử dụng gối cho bà bầu . Loại gối này sẽ hỗ trợ và giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn khi nằm ngủ hoặc nghỉ ngơi.
- Uống đủ nước vào ban ngày và hạn chế uống chất lỏng trước giờ đi ngủ.
- Xác định nguyên nhân nào khác khiến bạn ngủ không ngon để xử lý chúng. Bạn có đang cảm thấy quá áp lực hoặc căng thẳng về việc mang thai và sinh nở? Hoặc bạn đang gặp vấn đề nào khác trong công việc, trong cuộc sống hàng ngày hay trong mối quan hệ với những người khác?…Đây đều là những điều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, khiến bạn ngủ không ngon giấc.
- Ăn uống lành mạnh, tránh các món ăn quá chua, cay, nhiều gia vị. Chúng sẽ kích thích dạ dày và khiến bạn dễ bị tình trạng ợ nóng.
- Vận động điều độ mỗi ngày. Vận động luôn cần giúp bạn cải thiện tích cực tình trạng ốm nghén bao gồm cả ốm nghén ngủ. Các bài vận động nhẹ nhàng, phù hợp sẽ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn. Ngoài ra vận động còn giúp bạn tăng cường sức khỏe để chuẩn bị cho các giai đoạn sau của thai kỳ cũng như quá trình sinh nở và chăm sóc em bé sau này. Nếu bạn chưa từng có chế độ tập luyện nào trước khi mang thai, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất kì bài tập mới nào.
- Thiết lập thói quen ngủ lành mạnh. Các thói quen đi ngủ (đi ngủ vào những thời điểm đã thiết lập sau các hành vi có thể dự đoán được) sẽ giúp tâm trạng của bạn tốt hơn và ngủ ngon hơn.
- Ngủ ở một không gian lý tưởng. Tất cả các yếu tố như: một căn phòng sạch sẽ, thoáng mát, với mùi hương và nhiệt độ dễ chịu. Bạn cũng nên chọn một tấm đệm thoải mái, cũng như, trong phòng không nên có các thiết bị điện tử,…Tất cả những điều này đều góp phần tạo nên một không gian lý tưởng cho giấc ngủ của bạn.
Ốm nghén ngủ là tình trạng rất thường gặp khi mang thai. Nó có thể khiến cơ thể và tâm trạng bạn không được thoải mái trong sinh hoạt cũng như khi làm việc. Tuy nhiên, nếu áp dụng các biện pháp phù hợp như ăn uống lành mạnh, vận động điều độ, tạo lập thói quen ngủ tốt,…bạn có thể cải thiện được phần lớn tình trạng này. Vì vậy, bạn không nên quá lo lắng nhé, vì việc này có thể làm cho vấn đề về giấc ngủ của bạn trầm trọng hơn.
Theo Healthline
Lily Nguyễn lược dịch