Ốm nghén là thai khỏe có đúng không?

0
6

Ốm nghén là thai khỏe là điều có lẽ bạn đã từng ít nhiều nghe qua khi mang thai. Nó có thể đến từ bà, mẹ, chị hay những người thân, quen đã trải qua nhiều kinh nghiệm sống. Và khi bạn trải qua những cơn ốm nghén cực kì khó chịu, bạn có thể nhận được lời động viên: cố gắng lên, vì như vậy nghĩa là em bé khỏe đấy. Vậy quan niệm này có đúng không và nó bắt nguồn từ đâu. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé. 

Ốm nghén là thai khỏe hẳn bạn đã từng nghe qua. Ảnh: Baby Magazine 

1. Ốm nghén là thai khỏe có đúng không

Chúng ta thấy rằng phần lớn phụ nữ mang thai đều trải qua tình trạng ốm nghén ở mức độ nào đó. Nếu bạn đang ở trong hoàn cảnh này và thấy chán nản thì hãy lạc quan lên. Vì nhiều nghiên cứu cho thấy những phụ nữ ốm nghén ở tam cá nguyệt thứ nhất thì có nguy cơ sảy thai thấp hơn so với phụ nữ không ốm nghén trong giai đoạn này.

Vậy đâu là mối liên hệ về việc ốm nghén là thai khỏe?

Các nghiên cứu đề xuất rằng khi có thai, nhau thai tiết ra một loại hormone gọi là hormone thai kỳ hCG. Loại hormone này, cùng với estrogen (một loại hormone cũng tăng lên khi phụ nữ mang thai) được cho là thủ phạm gây ra ốm nghén.

Như vậy, khi mẹ bầu bị ốm nghén, đồng nghĩa với các loại homrone liên quan đến thai kỳ vẫn đang được tiết ra đều đặn. Điều này cho thấy thai nhi đang trong quá trình phát triển. Nó cũng chứng minh rằng ốm nghén là thai khỏe là một điều có cơ sở.

Nhiều cuộc nghiên cứu cũng như nhiều số liệu thống kê ủng hộ điều này. Tuy nhiên, số lượng mẫu trong các nghiên cứu liên quan, hay bất cứ nghiên cứu nào khác đều có giới hạn. Cộng với đặc điểm thai kỳ của mỗi phụ nữ khác nhau. Nên dù được ủng hộ, nhưng ốm nghén là thai khỏe vẫn được xem như một lý thuyết mang tính tương đối. 

Mọi người thường cho rằng ốm nghén là thai khỏe. Ảnh: Medical News Today

2. Quan niệm ốm nghén là thai khỏe bắt nguồn từ đâu

Quan niệm ốm nghén là thai khỏe không có gì là mới mẻ. Thật khó để xác định được cụ thể thời điểm ý tưởng này ra đời. Nhưng từ lâu, mọi người đã cho rằng phụ nữ mang thai loại bỏ mọi độc tố khỏi cơ thể để bảo vệ em bé trong bụng. Có lẽ điều này bắt nguồn từ các cơn buồn nôn và nôn của phụ nữ thường xảy ra ở đầu thai kỳ.

Chúng ta có thể thấy cơ chế hoạt động của cơ thể các mẹ bầu thật đặc biệt (hay bí ẩn). Khoa học dùng các nghiên cứu và đưa ra kết quả là sự tác động của hormone. Chúng chính là nguyên nhân gây ra những vấn đề liên quan đến thai kỳ, tiêu biểu là tình trạng ốm nghén , mệt mỏi và nhiều loại triệu chứng. Nhưng ở một khía cạnh khác, chúng ta thấy được mọi phụ nữ mang thai đều đang cố gắng hết khả năng để bảo vệ cho em bé từ khi ở trong bụng theo những cách rất riêng. 

Tác động của hormone gây ra những vấn đề của thai kỳ trong đó có ốm nghén. Ảnh Internet 

3. Ốm nghén là thai khỏe không có nghĩa mẹ bầu không bị ốm nghén là thai kỳ có vấn đề

Như đã nói ở trên, ốm nghén là thai khỏe là một lý thuyết có cơ sở nhưng vẫn chỉ mang tính chính xác tương đối.

Nhiều mẹ bầu có thai kỳ và em bé phát triển hoàn toàn khỏe mạnh dù không trải qua triệu chứng ốm nghén nào.

Để đảm bảo mình sẽ trải qua 40 tuần thai một cách an toàn khỏe mạnh nhất, điều quan trọng là bạn phải:

  • Có sự chuẩn bị tốt về nền tảng sức khỏe thể chất và tinh thần trước khi mang thai.
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đủ các chất cần thiết theo từng giai đoạn phát triển của em bé.
  • Có lối sống lành mạnh: tập thể dục điều độ, không hút thuốc, uống rượu, hạn chế caffeine, chất kích thích và các hoạt động, suy nghĩ gây áp lực lên bản thân trong quá trình mang thai .
  • Tiêm phòng và khám thai đầy đủ, đúng lịch hẹn. Thực hiện đúng các hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ sản khoa.

Bạn hoàn toàn có thể thực hiện những việc trên một cách chủ động mà không phụ thuộc vào tình trạng ốm nghén của mình. 

Ốm nghén là thai khỏe không có nghĩa không bị ốm nghén là bất thường. Ảnh: Freepik 

4. Bạn không thể dựa vào quan niệm ốm nghén là thai khỏe để trở nên chủ quan trong thai kỳ

Dù tin rằng ốm nghén là thai khỏe không có gì sai trái. Tuy nhiên, bạn không nên dựa vào đó mà trở nên chủ quan với sức khỏe thai kỳ của mình.

Bạn cần luôn theo dõi các triệu chứng và biểu hiện của cơ thể để nhận biết được bất kì dấu hiệu bất thường nào. Từ đó bạn có thể báo cho bác sĩ sản khoa của mình để được thăm khám một cách phù hợp và can thiệp kịp thời nếu cần thiết.

Bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ khi cảm thấy lo lắng về bất kì điều gì liên quan đến sức khỏe của cả bạn và em bé trong bụng.

Vì chúng ta cần nhắc lại rằng mỗi phụ nữ đều khác nhau. Cũng như mỗi thai kỳ cũng đều không giống nhau. Việc bạn không có biểu hiện hay mức độ ốm nghén giống một phụ nữ khác không có nghĩa là thai kỳ của bạn bất thường. Và ngược lại.

Một điều nữa bạn cần lưu ý là việc ốm nghén là thai khỏe cũng không có nghĩa là bạn phải chịu đựng mọi cơn ốm nghén nặng (nếu có). Đặc biệt khi chúng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của bạn. Nếu bạn cảm thấy mình kiệt sức vì cảm giác mệt mỏi, buồn nôn hay nôn, hãy báo cho bác sĩ biết để được tư vấn và hướng dẫn cách làm dịu chúng. 

Bạn không nên dựa vào quan niệm ốm nghén là thai khỏe để trở nên chủ quan trong thai kỳ. Ảnh: NBC New 

Ốm nghén là thai khỏe là một ý tưởng đã xuất hiện từ lâu và ít nhiều có cơ sở. Mặc dù vậy, bạn không thể chỉ dựa vào tình trạng ốm nghén để đánh giá sức khỏe thai kỳ (của cả bạn và thai nhi). Dù có bị ốm nghén khi mang thai hay không, bạn cũng cần theo dõi sức khỏe của bản thân một cách thận trọng. Vì, bạn có thể chủ động cung cấp thông tin để được đánh giá và giúp đỡ một cách nhanh chóng. Nhưng em bé trong bụng bạn thì không như vậy. Bạn hãy chú ý đến biểu hiện của cơ thể mình (chúng có thể là thông điệp mà thai nhi muốn gửi đến bạn). Nhưng bên cạnh đó, cũng đừng quá căng thẳng để tự tạo áp lực, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của cả bạn và bé.

Theo Parents, Mayo Clinic, Live Science

Lily Nguyễn lược dịch và tổng hợp

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận