Ốm nghén hay nôn có gây ra nguy cơ gì cho thai kỳ không?

0
7

Ốm nghén hay nôn có lẽ là một trong những tình trạng phổ biến nhất mà mẹ bầu gặp phải khi mới mang thai. Dù rất thường gặp và hầu như nó không gây hại hay làm tăng nguy cơ gì với em bé, nhưng nó lại khiến mẹ không mấy dễ chịu. Vậy mẹ nên làm gì khi hay bị nôn và lúc nào cần lưu ý về tình trạng này. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé. 

Ốm nghén hay nôn là tình trạng khá phổ biến đối với các mẹ bầu mới mang thai. Nguồn ảnh: BabyCentre 

1. Ốm nghén hay nôn khác với cảm giác buồn nôn thông thường như thế nào

Nôn là một tình trạng khá thường gặp đối với bất kì ai. Vậy ốm nghén hay nôn khác với cảm giác buồn nôn thông thường như thế nào?

1.1. Cảm giác buồn nôn thông thường

Buồn nôn thông thường là khi bạn cảm thấy khó chịu ở dạ dày kèm theo thôi thúc muốn nôn. Sự khó chịu này có thể bao gồm cảm giác nặng bụng, chướng bụng và khó tiêu kéo dài.

Nôn là hiện tượng cơ thể bạn làm sạch dạ dày bằng cách tống mọi thứ chứa trong đó qua đường miệng của bạn. Không phải lúc nào sự buồn nôn cũng dẫn đến nôn.

Sự buồn nôn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân của hiện tượng này có khả năng đơn giản do dạ dày của bạn không “đồng tình” với thực phẩm bạn ăn vào. Hoặc đôi khi có những nguyên nhân nghiêm trọng hơn dẫn đến buồn nôn. Chúng bao gồm:

  • Tác dụng của thuốc mê.
  • Tác dụng phụ từ quá trình hóa trị liệu điều trị ung thư.
  • Các vấn đề liên quan đến tiêu hóa như chứng liệt dạ dày.
  • Nhiễm trùng tai trong.
  • Ảnh hưởng của chứng đau nửa đầu.
  • Bị say tàu xe .
  • Tắc nghén trong ruột.
  • Cúm dạ dày (viêm dạ dày ruột do virus.)
  • Nhiễm virus. 
Tình trạng buồn nôn và nôn thông thường có thể xảy ra ở bất kì ai ở bất kì độ tuổi nào. Nguồn ảnh: Live Science 

1.2. Ốm nghén hay nôn có biểu hiện như thế nào

Ốm nghén hay nôn là tình trạng buồn nôn và nôn do hiện tượng thay đổi hormone khi mang thai gây ra. Nó thường xuất hiện khi mẹ bầu thức dậy vào buổi sáng nhưng cũng có thể ở bất kì thời điểm nào trong ngày.

Ốm nghén hay nôn khác với nôn và buồn nôn thông thường vì nó sẽ kèm theo các triệu chứng đặc trưng của thai kỳ. Chúng có thể bao gồm:

  • Trễ kinh hay chậm kinh .
  • Sự thay đổi kích thước bầu ngực (ngực sưng lên.)
  • Sự mệt mỏi, kiệt sức.
  • Đau vùng lưng dưới.
  • Đau đầu.
  • Sự thay đổi tâm trạng do thay đổi hormone.
  • Đi tiểu thường xuyên.
  • Thèm ăn hoặc sợ đồ ăn.
  • Sợ mùi thức ăn.

Bạn nên xem xét thử thai khi cảm thấy buồn nôn, bị nôn kèm theo một vài triệu chứng trên, đặc biệt khi bạn bị trễ kinh . 

Ốm nghén hay nôn có thể kèm theo các triệu chứng đặc trưng khác của thai kỳ. Nguồn ảnh: BabyCentrer India 

2. Ốm nghén hay nôn có gây ra nguy cơ gì không

Thông thường, tùy theo cơ địa mà phụ nữ bị ốm nghén nhiều hay ít. Có hai trường hợp:

2.1. Ốm nghén hay nôn chỉ diễn ra một số lần

Tình trạng ốm nghén hay nôn chỉ diễn ra một số lần trong ngày khi bạn tiếp xúc với các tác nhân khiến bạn buồn nôn. Ví dụ như mùi thơm nặng, mùi gia vị, mùi hóa chất, mùi nấu nướng,…hoặc khi bạn ăn, uống các loại đồ ăn thức uống kích thích cảm giác buồn nôn và nôn. Lúc này, hầu như việc nôn ói sẽ không gây hại hay làm tăng nguy cơ gì đối với thai nhi.

Bạn chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý cho mẹ bầu ốm nghén , sinh hoạt cũng như tăng cường nghỉ ngơi. Cùng với việc bước qua tam cá nguyệt thứ hai, tình trạng ốm nghén buồn nôn của bạn thường sẽ giảm dần và biến mất.

2.2. Ốm nghén hay nôn diễn ra liên tục

Tình trạng ốm nghén hay nôn diễn ra liên tục khiến bạn không giữ được lượng đồ ăn, thức uống nào trong dạ dày. Đồng thời, nó khiến sức khỏe, đời sống sinh hoạt và làm việc của bạn bị ảnh hưởng tiêu cực. Lúc này, bạn có thể bị chứng ốm nghén nặng hay ốm nghén kéo dài . Bạn hãy đến cơ sở y tế hoặc bác sĩ sản khoa để được thăm khám, tư vấn và giúp đỡ.

Dù tình trạng ốm nghén hay nôn của bạn diễn ra có nghiêm trọng hay không, nếu bạn thấy lo lắng, hãy đừng ngại báo cho bác sĩ sản khoa tại các buổi khám thai định kỳ . Họ sẽ đưa ra những lời tư vấn, hướng dẫn và can thiệp nếu cần thiết để giúp bạn thấy dễ chịu hơn. 

Nếu khi nghén bạn nôn liên tục và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, làm việc,..bạn hãy báo cho bác sỹ sản khoa để được tư vấn giúp đỡ. Ảnh Pixabay 

3. Có thể điều trị tình trạng ốm nghén hay nôn không

Thật không may là không có phương pháp điều trị nào chuyên biệt và nhanh chóng cho chứng ốm nghén hay nôn của mọi phụ nữ. Vì mỗi phụ nữ đều khác nhau và thai kỳ của mỗi người cũng đều không giống nhau.

Tuy nhiên, có một số cách bạn có thể tự áp dụng để cải thiện tình trạng ốm nghén hay nôn của mình. Đó chính là sự thay đổi trong chế độ ăn uống, sinh hoạt để giảm bớt triệu chứng nôn và buồn nôn. Chúng bao gồm:

  • Nghỉ ngơi nhiều (sự mệt mỏi có thể làm bạn dễ bị buồn nôn và nôn hơn.)
  • Tránh các loại mùi và thực phẩm khiến bạn thấy khó chịu.
  • Ăn bánh mì hoặc bánh quy nhạt khi bạn mới thức dậy.
  • Ăn ít và ăn thành nhiều bữa nhỏ các loại thực phẩm giàu carbohydrate và ít chất béo trong ngày.
  • Ăn thức ăn lạnh thay vì nóng.
  • Uống nhiều chất lỏng, uống thành nhiều ngụm nhỏ mỗi lần.
  • Ăn và uống thực phẩm chứa gừng.
  • Đeo băng quấn chống nôn ở cổ tay.

Nếu các phương pháp trên không có tác dụng với bạn, hoặc triệu chứng nôn của bạn ngày càng nghiêm trọng hơn, bạn hãy đến bác sĩ để được can thiệp. Họ có thể cho bạn sử dụng một số loại thuốc hỗ trợ giúp giảm triệu chứng nôn nhưng an toàn cho thai kỳ của bạn. Ngoài ra, tùy thuộc vào mức độ ốm nghén hay nôn của bạn, bạn có thể cần ở lại bệnh viện để được truyền dịch và theo dõi sức khỏe. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng của bạn để quyết định. 

Bạn có thể thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt để cảm thấy dễ chịu hơn. Ảnh Pixabay 

Ốm nghén hay nôn cũng như ốm nghén nói chung trong hầu hết trường hợp đều không phải là điều bạn cần lo lắng. Vì đây là hiện tượng bình thường diễn ra khi bạn mang thai. Điều quan trọng là nó không ảnh hưởng xấu đến thai kỳ và sức khỏe của thai nhi. Tuy nhiên, nếu bạn có bất kì thắc mắc nào về tình trạng này bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được giúp đỡ nếu cần thiết. Trong trường hợp ốm nghén hay nôn gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của bạn, thì đến gặp bác sĩ hoặc cơ sở y tế để được trợ giúp là việc bạn nên thực hiện càng sớm càng tốt. Hãy đảm bảo bản thân bạn trải qua thai kỳ một cách khỏe mạnh, vui vẻ và thoải mái nhất có thể.

Theo Healthline & NHS

Lily Nguyễn lược dịch

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận