Ốm nghén là triệu chứng điển hình của nhiều mẹ bầu xuất hiện ở giai đoạn đầu thai kỳ. Thời gian này, các mẹ bầu thường bị giảm cân. Vậy ốm nghén giảm cân có ảnh hưởng đến thai nhi không. Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây bạn nhé!
1. Tình trạng ốm nghén và ốm nghén giảm cân
Ốm nghén là tình trạng mẹ bầu cảm thấy khó chịu, buồn nôn, nôn ói, mất nước. Tình trạng này xuất hiện nhiều lần bất kỳ thời điểm nào trong ngày trong giai đoạn đầu thai kỳ.
Ốm nghén được xem là cách bảo vệ em bé trong bụng mẹ vào giai đoạn đầu thai kỳ tránh khỏi một số chất độc hại hoặc một số loại thực phẩm gây hại. Khoảng thời gian ốm nghén cũng là giai đoạn phát triển quan trọng của tất cả các cơ quan của thai nhi. Tình trạng ốm nghén cũng khiến mẹ bầu phải trải qua nhiều cảm giác không dễ chịu, có thể giảm cân hoặc tăng cân.
2. Vì sao mẹ bầu ốm nghén giảm cân?
Trong những tháng đầu thai kỳ, cơ thể có nhiều sự thay đổi đột ngột, nội tiết tố trong cơ thể tăng cao khiến mẹ bầu ăn vào nôn ra. Một số trường hợp mẹ bầu nhạy cảm với mùi thực phẩm dẫn đến chán ăn, ăn không ngon miệng, cơ thể không hấp thụ được dưỡng chất để tăng cân.
Bên cạnh đó tình trạng ốm nghén kéo dài với các biểu hiện như buồn nôn, nôn mửa, người mệt mỏi, choáng váng khiến cơ thể mẹ bầu suy nhược, giảm cân. Ngoài ra mẹ bầu có thể giảm cân do nhiều nguyên nhân như stress, lo âu hoặc bị bệnh lý nền. Ốm nghén xảy ra ở hầu hết phụ nữ mang thai , tuy nhiên tuỳ cơ địa mà mẹ bầu ốm nghén nặng hoặc nhẹ.
3. Ốm nghén giảm cân có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Cân nặng là yếu tố đánh giá sự phát triển song song của thai nhi cũng như sức khỏe của mẹ bầu. Do đó, trong giai đoạn đầu mang thai, cân nặng giảm sút khiến mẹ bầu vô cùng lo lắng.
Nhiều mẹ bầu băn khoăn không biết ốm nghén giảm cân có ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi không. Tuy nhiên, trong tam cá nguyệt đầu tiên, thai nhi được nuôi dưỡng bằng túi noãn hoàng, bánh rau chưa hoạt động hoàn thiện. Do đó, phần lớn nếu sút cân do nghén có thể không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.
Mặc dù mẹ bầu khá lo lắng về việc giảm sút cân nặng do ốm nghén gây ra trong thời gian đầu, tuy nhiên chỉ giảm một chút trọng lượng là điều khá bình thường. Giai đoạn đầu thai kỳ, bị sút cân bạn nên bổ sung các dưỡng chất như: đạm, vitamin và axit folic giúp thai nhi phát triển.
Hiện tượng ốm nghén giảm cân chỉ xảy ra trong vài tháng đầu thai kỳ và hầu hết mẹ bầu tăng cân từ tháng thứ 4 trở đi. Mẹ bầu tăng cân từ 10-15 kg trong suốt quá trình mang thai đến khi sinh em bé.
Trong trường hợp khi thai phụ sụt cân bất thường kiệt sức, gầy yếu, xanh xao và các chỉ số siêu âm bất ổn sẽ gây ảnh hưởng đến thai nhi. Trong trường hợp nếu bị giảm cân nhiều trong thời gian ốm nghén, mẹ bầu không nên chủ quan vì thể trạng không tốt sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Tốt nhất mẹ bầu nên tìm đến bác sĩ thăm khám kịp thời để đảm bảo sức khỏe mẹ và thai nhi nhé.
4. Mẹ bầu nên làm gì để giảm các triệu chứng ốm nghén?
Điều trị các triệu chứng như buồn nôn, nôn ói là một trong những phương pháp giúp mẹ bầu có thể ăn ngon miệng và tăng cân nhanh chóng. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng nên thay đổi chế độ ăn uống cũng như một số thói quen trong lối sống sinh hoạt hằng ngày và sử dụng thuốc điều trị.
4.1. Mẹ bầu nên thay đổi lối sống, sinh hoạt và ăn uống
- Khi ốm nghén, có một số mùi thức ăn mẹ bầu cảm thấy khó chịu, do đó, nên tránh sử dụng các loại thức ăn này trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày.
- Không nên ăn khi quá đói vì sẽ khiến hàm lượng axit trong dạ dày tăng gây cảm giác khó chịu và nôn ói.
- Mẹ bầu nên chia nhỏ bữa ăn rất khoa học giúp mẹ bầu kiểm soát tốt những cơn buồn nôn và giảm cảm giảm khó chịu.
- Ốm nghén khiến cơ thể mất nước, mất cân bằng điện giải, do đó mẹ bầu nên uống nhiều nước để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé.
- Thiết lập chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh. Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng như chất xơ, đạm, vitamin.
- Ưu tiên những thực phẩm dễ ăn và có chứa nhiều protein.
- Hạn chế ăn những loại đồ ăn nóng, cay hay có chứa nhiều dầu mỡ, chất béo.
- Cân bằng công việc và cuộc sống, ngủ đúng giờ, đủ giấc.
- Không nên vận động quá mạnh, nên nghỉ ngơi và tránh rơi vào tình trạng căng thẳng mệt mỏi, stress.
4.2. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Mặc dù đã thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt lối sống nhưng vẫn không cải thiện, bạn nên tìm đến bác sĩ thăm khám và chỉ định sử dụng thuốc điều trị phù hợp.
- Mẹ bầu có thể sử dụng vitamin B6, tuy nhiên tác dụng của vitamin B6 khá yếu. Nếu không cải thiện tình trạng ốm nghén, mẹ bầu có thể kết hợp vitamin B6 với Doxylamine.
- Thuốc chống nôn: Nếu mẹ bầu nghén nặng, ngoài vitamin B6 và Doxylamine thuốc chống nôn được chỉ định sử dụng thêm. Tuy nhiên mẹ bầu không nên tự ý sử dụng và tuyệt đối không được lạm dụng, chỉ nên dùng khi thăm khám và được bác sĩ tư vấn để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
- Bổ sung dịch truyền hoặc vitamin B1. Ngoài ra có một số loại thuốc điều trị buồn nôn, nôn như: Thuốc đối kháng thụ thể H1 (cyclizine và promethazine); Thuốc thuộc nhóm Phenothiazin(prochlorperazine và chlorpromazine); Thuốc đối kháng Dopamine(metoclopramide và domperidone); Thuốc đối kháng thụ thể 5-Ht3(ondansetron).
Trong trường hợp mẹ bầu gặp phải tình trạng ốm nghén nặng cần phải nhập viện để điều trị. Một số xét nghiệm được thực hiện để kiểm tra tình trạng sức khỏe để điều trị đúng cách, tránh ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
Hy vọng với những thông tin trên các mẹ bầu ốm nghén giảm cân không phải quá lo lắng. Hãy tham khảo một số giải pháp cải thiện tình trạng ốm nghén. Nếu mẹ bầu sụt cân quá nhiều trong thời kỳ mang thai, hãy nhanh chóng tìm đến bác sĩ để thăm khám và tư vấn nhé.
Khánh Kim