Ốm nghén đầy bụng là dạng ốm nghén khá thường gặp trong thai kỳ. Ngoài buồn nôn, mệt mỏi,…phụ nữ mang thai còn có thể bị tình trạng đầy bụng hành hạ. Điều này khiến không ít mẹ bầu bị khó chịu trong giai đoạn đầu có em bé. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, và làm thế nào để mẹ cảm thấy dễ chịu hơn. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
1. Vì sao mẹ bị ốm nghén đầy bụng
Cơ thể người phụ nữ trải qua rất nhiều thay đổi trong suốt thai kỳ. Chúng bao gồm những thay đổi về thể chất và nội tiết tố và gây ra khá nhiều tình trạng gây khó chịu cho mẹ bầu. Có thể kể đến các loại ốm nghén như ốm nghén mùi , ốm nghén ngủ, ốm nghén đau đầu ,…và khá phổ biến đó là ốm nghén đầy bụng.
Ốm nghén đầy bụng phần lớn là do lượng khí thừa sản sinh khiến mẹ bầu có cảm giác đầy hơi, thậm chí là đau bụng.
Sự thay đổi hormone khiến hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả cũng có thể là một nguyên nhân khiến bạn bị ốm nghén đầy bụng.
Trong 3 tháng đầu thai kỳ , cơ thể bạn sẽ trải qua những thay đổi mạnh mẽ về nội tiết. Các hormone progesterone và estrogen tăng lên đáng kể làm dày niêm mạc tử cung để chuẩn bị cho thai nhi lớn lên. Chúng hoạt động như sau:
- Progesterone giúp thư giãn các cơ trong cơ thể, bao gồm cả cơ ở ruột. Khi ruột thư giãn, hệ tiêu hóa của bạn sẽ hoạt động chậm lại đáng kể.
- Nồng độ estrogen tăng cao có thể khiến cơ thể giữ nước và khí, gây ra tình trạng đầy bụng hoặc đau bụng.
2. Bạn có thể làm gì đối với chứng ốm nghén đầy hơi
Tình trạng ốm nghén đầy bụng do sự dư thừa khí có thể được cải thiện qua một số cách sau:
2.1. Uống nhiều nước để làm giảm ốm nghén đầy hơi
Nước là chất lỏng tốt và thân thiện nhất đối với phụ nữ mang thai. Bạn hãy cố gắng uống 8 – 10 ly nước mỗi ngày. Các loại chất lỏng khác như nước trái cây, nước canh, súp cũng được tính vào tổng lượng chất lỏng bạn tiêu thụ. Với nước trái cây, bạn hãy lựa chọn loại ít gây đầy hơi ví dụ như nước ép dứa, cam, nho, nam việt quất.
2.2. Vận động là cách rất tốt giúp cải thiện tình trạng ốm nghén đầy hơi
Các hoạt động thể chất và thể dục thể thao nên là một phần trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Nếu bạn không thể đến phòng tập, hãy cố gắng đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày. Vận động không chỉ giúp tâm trạng của bạn thoải mái hơn. Nó còn giúp phòng chống táo bón khi mang thai , cũng như cải thiện tiêu hóa. Nếu muốn thực hiện các bài tập chuyên nghiệp, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước để đảm bảo chúng có mức độ phù hợp với thai kỳ.
2.3. Điều chỉnh lại chế độ ăn uống cũng có tác dụng làm giảm ốm nghén đầy hơi
Chế độ ăn uống rất quan trọng trong việc giúp bạn giảm ốm nghén đầy hơi. Bạn hãy giảm hoặc loại bỏ từ từ những món ăn là nguyên nhân gây đầy hơi. Chúng thường bao gồm: cải mầm Brussels, bắp cải, bông cải xanh, bột mì, khoai tây.
2.4. Tiêu thụ nhiều chất xơ là chìa khóa giúp giảm ốm nghén đầy hơi
Vì sao chất xơ được xem là chìa khóa giúp giảm ốm nghén đầy hơi. Vì chất xơ đưa nước vào ruột, làm mềm phân và giúp nó đi ra ngoài dễ dàng hơn. Tình trạng táo bón bị hạn chế cũng sẽ giúp giảm đầy hơi, khiến bạn thấy dễ chịu hơn.
Một số loại thực phẩm cực kỳ giàu chất xơ như: mận khô, quả sung, chuối, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt. Bạn nên bổ sung chúng vào thực đơn hàng ngày để tăng lượng chất xơ cho cơ thể.
2.5. Hỏi ý kiến bác sĩ về các loại chất xơ bổ sung và thuốc làm mềm phân nếu cần thiết
Nếu bạn không phải là người ưa chuộng các loại thực phẩm giàu chất xơ, hoặc bạn thấy mình không nạp đủ chất xơ hàng ngày, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn loại chất xơ bổ sung phù hợp và an toàn cho thai kỳ. Một số loại thuốc làm mềm phân cũng khá an toàn với mẹ bầu. Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng chúng nếu cảm thấy cần thiết.
2.6. Giảm căng thẳng
Không chỉ chế độ ăn uống và thay đổi nội tiết tố mới gây ra tình trạng ốm nghén đầy hơi. Sự căng thẳng, bực bội khiến bạn nuốt vào nhiều không khí hơn, cũng có thể là nguyên nhân khiến sự dư thừa khí trong bụng bạn xảy ra. Vì vậy, bạn hãy cố gắng hạn chế căng thẳng, tức giận hoặc những cảm xúc tiêu cực, vì chúng không chỉ ảnh hưởng đến bạn mà cả em bé trong bụng bạn nữa.
Bạn có thể sắp xếp lại công việc nhà, việc cơ quan bằng cách nhờ đến sự giúp đỡ của người thân, hỗ trợ của đồng nghiệp. Bạn cũng hãy tranh thủ thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn để có tâm trạng thoải mái, dễ chịu hơn.
3. Khi nào bạn cần lo lắng về tình trạng ốm nghén đầy hơi
Dù ốm nghén đầy hơi thường không nghiêm trọng, nhưng bạn cũng nên chú ý và đến gặp bác sĩ ngay nếu có những biểu hiện sau:
- Bạn bị đau bụng dữ dội kéo dài trên 30 phút mà không giảm.
- Bạn bị táo bón kéo dài trên một tuần.
Ngoài ra, bạn hãy áp dụng một biện pháp khắc phục phù hợp nhất với lối sống của bạn. Sau đó, hãy gắn bó với nó vì tính nhất quán là chìa khóa.
Ốm nghén đầy hơi là tình trạng rất quen thuộc với phụ nữ mang thai trong giai đoạn đầu thai kỳ. Bạn hoàn toàn có thể tự cải thiện chứng ốm nghén khó chịu này bằng cách điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống của mình. Bạn lưu ý rằng mang thai là một cuộc chạy đường trường chứ không phải chạy nước rút. Vì vậy, hãy tăng tốc độ của bản thân cho phù hợp với tốc độ thay đổi của cơ thể. Như vậy, bạn sẽ sớm thích nghi được với những vấn đề có thể nảy sinh trong suốt giai đoạn mang thai , bao gồm cả ốm nghén đầy bụng. Bạn cũng hãy giữ một thái độ lành mạnh, tích cực vì nó có liên quan trực tiếp đến cả sức khỏe về mặt thể chất và tinh thần của bạn cũng như em bé.
Theo Healthline
Lily Nguyễn lược dịch