Ốm nghén buồn nôn và những câu hỏi liên quan thường gặp nhất

0
12

Ốm nghén buồn nôn là tình trạng vô cùng phổ biến ở phụ nữ mang thai. Cảm giác buồn nôn có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, mặc dù chúng ta vẫn thường gọi đó là “cơn ốm vào buổi sáng – morning sickness”. Tình trạng này phần lớn không ảnh hưởng đến thai nhi nhưng nó có khả năng tác động tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của bạn, đặc biệt là khi bạn vẫn đang làm việc tại công sở. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này để biết khi nào cần can thiệp điều trị, cũng như những cách để “sống chung với lũ” nhé. 

Ốm nghén buồn nôn là tình trạng vô cùng phổ biến ở phụ nữ mang thai. Ảnh Internet 

1. Các vấn đề liên quan đến tình trạng ốm nghén buồn nôn

Có một số vấn đề phổ biến liên quan đến tình trạng ốm nghén buồn nôn, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về chúng nhé.

1.1. Khi nào thì bạn bắt đầu bị ốm nghén buồn nôn?

Tùy cơ địa mỗi người mà tình trạng ốm nghén buồn nôn có thể bắt đầu và kết thúc ở những thời điểm khác nhau của thai kỳ. Thông thường, bạn sẽ thấy buồn nôn và nôn trước tuần thứ 9 và giảm dần khi bước qua tuần thứ 14 của thai kỳ.

Tuy nhiên, một số chị em có thể bị buồn nôn và nôn lâu hơn, thậm chí kéo dài suốt thai kỳ. 

Tùy cơ địa mỗi người mà tình trạng ốm nghén buồn nôn có thể bắt đầu và kết thúc ở những thời điểm khác nhau. Ảnh Internet 

1.2. Cảm giác ốm nghén buồn nôn sẽ như thế nào?

Một số mẹ bầu cảm thấy buồn nôn một thời gian ngắn vào một số thời điểm trong ngày và có thể bị nôn một đến hai lần. Đối với một số phụ nữ, tình trạng ốm nghén buồn nôn diễn ra nghiêm trọng hơn. Mẹ có thể bị buồn nôn kéo dài trong nhiều giờ cũng như nôn thường xuyên hơn.

1.3. Có tên gọi nào dành cho tình trạng ốm nghén buồn nôn nghiêm trọng không?

Một số phụ nữ trải qua tình trạng ốm nghén buồn nôn và nôn khá nghiêm trọng, được gọi là “ốm nghén nặng” hay “ ốm nghén kéo dài ”. Tỷ lệ phụ nữ mang thai rơi vào trường hợp này rất nhỏ, chỉ khoảng 3%.

Dấu hiệu giúp nhận biết một phụ nữ mang thai bị ốm nghén nặng đó là cô ấy:

  • Bị mất 5% trọng lượng cơ thể do ốm nghén và
  • Bị mất nước/ chất lỏng.

Biểu hiện của tình trạng mất nước gồm:

  • Bạn đi tiểu ít và nước tiểu sậm màu.
  • Bạn không thể đi tiểu.
  • Bạn không thể giữ lại chất lỏng.
  • Bạn bị hoa mắt chóng mặt khi đứng dậy.
  • Tim bạn đập khá nhanh.

Tình trạng ốm nghén nặng cần được điều trị, đôi khi ở bệnh viện, để giảm nôn mửa và khôi phục lại chất lỏng trong cơ thể. 

Mất nước là một trong những biểu hiện của ốm nghén buồn nôn nghiêm trọng. Ảnh Pixabay 

1.4. Ốm nghén buồn nôn và nôn trong thai kỳ có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nào khác không?

Đôi khi, tình trạng ốm nghén buồn nôn và nôn có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nào khác, bao gồm:

  • Ung thư.
  • Bệnh liên quan đến thực phẩm.
  • Bệnh tuyến giáp hoặc túi mật.

Bác sĩ sẽ dựa vào một số dấu hiệu hoặc triệu chứng không phải là biểu hiện tiêu biểu của ốm nghén hoặc hiện tượng mang thai để chẩn đoán một số vấn đề về sức khỏe khác. Chúng bao gồm:

  • Buồn nôn và nôn lần đầu tiên sau tuần thứ 9 của thai kỳ.
  • Đau bụng.
  • Sốt.
  • Đau đầu.

Tuyến giáp mở rộng (thể hiện qua hiện tượng sưng ở phía trước cổ).

1.5. Ốm nghén buồn nôn có ảnh hưởng đến thai nhi hay sức khỏe của bạn không?

Trừ trường hợp bạn bị ốm nghén nặng, ốm nghén buồn nôn thường không gây hại cho sức khỏe của bạn hay thai nhi. Nó cũng không có nghĩa là em bé trong bụng bạn đang không ổn.

1.6. Khi nào thì ốm nghén buồn nôn được xem là vấn đề sức khỏe?

Ốm nghén buồn nôn sẽ trở thành vấn đề về sức khỏe khi bạn rơi vào tình trạng ốm nghén nặng, không thể giữ lại chất lỏng hay thức ăn trong dạ dày và bắt đầu giảm cân. Nếu hiện tượng này xảy ra và không được can thiệp, nó có thể ảnh hưởng đến cân nặng của em bé khi sinh.

1.7. Tình trạng sụt cân do ốm nghén kéo dài có ảnh hưởng gì không?

Tình trạng sụt cân có thể dẫn đến các vấn đề về tuyến giáp, gan và sự cân bằng chất lỏng của cơ thể. Do ốm nghén kéo dài rất khó điều trị và có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe nên các chuyên gia khuyên bạn nên điều trị sớm để tình trạng này không trở nên trầm trọng hơn. 

Sụt cân có thể dẫn đến các vấn đề liên quan đến sức khỏe. Ảnh Pixabay 

2. Bạn nên xử lý tình trạng ốm nghén buồn nôn như thế nào

Khi bị ốm nghén buồn nôn, bạn sẽ rất muốn biết làm cách nào để xử lý. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn.

2.1. Làm thế nào để bạn có thể cải thiện tình trạng ốm nghén buồn nôn?

Sự thay đổi chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp bạn cải thiện tình trạng ốm nghén buồn nôn. Những thay đổi này bao gồm:

  • Sử dụng các loại vitamin tổng hợp để bổ sung các chất cần thiết cho sức khỏe và thai kỳ.
  • Điều chỉnh thời gian các bữa ăn trong ngày.
  • Thay đổi các loại thực phẩm trong chế độ ăn hàng ngày của bạn.

2.2. Bạn có nên uống vitamin tổng hợp khi mang thai?

Bạn rất nên uống vitamin tổng hợp dành cho phụ nữ mang thai. Nhiều nghiên cứu cho thấy thực hiện việc này trước và trong thai kỳ sẽ giúp giảm nguy cơ bạn bị ốm nghén nặng khi mang thai. Khá nhiều chị em uống vitamin cho bà bầu , tình trạng ốm nghén cải thiện rõ rệt.

2.3. Bạn có thể làm gì để xử lý các cơn ốm nghén buồn nôn?

Để xử lý các cơn ốm nghén buồn nôn, bạn hãy thử:

  • Ăn bánh mì hoặc bánh quy lạt trước khi bạn rời khỏi giường vào buổi sáng để hạn chế hiện tượng buồn nôn do chiếc bụng rỗng gây ra.
  • Ăn các bữa ăn nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa lớn.
  • Ăn các loại hạt, trái cây và bánh quy. Hiện nay có khá nhiều loại bánh quy dưỡng cho bà bầu , đa dạng vị nên bạn dễ chọn lựa để dùng mà không sợ bị chán. 
Các loại hạt rất tốt giúp bạn giảm tình trạng ốm nghén buồn nôn. Ảnh Internet 

2.4. Loại thực phẩm nào có thể giúp bạn giảm ốm nghén buồn nôn?

Bạn hãy thử các loại thực phẩm nhạt. Chế độ ăn gồm: chuối, cơm, nước sốt táo, bánh mì và trà rất ít chất béo và dễ tiêu hóa. Nếu chúng không có tác dụng giúp bạn giảm buồn nôn, hãy thử một nhóm thực phẩm khác tương tự. Mục tiêu của bạn là tìm ra những loại thức ăn giúp bạn ăn dễ dàng mà không bị ngán hay buồn nôn.

2.5. Protein có tác dụng giúp bạn giảm ốm nghén buồn nôn không?

Protein cũng có tác dụng giúp bạn giảm ốm nghén buồn nôn. Bạn hãy thử tiêu thụ một số loại protein không có nguồn gốc từ thịt như:

  • Các chế phẩm từ sữa, ví dụ như sữa, kem, sữa chua,…
  • Các loại hạt, bao gồm cả bơ như bơ hạnh nhân hay bơ đậu phộng.
  • Bột protein và bột phô mai.

2.6. Có loại viên uống bổ sung nào giúp ích cho tình trạng buồn nôn khi mang thai không?

Gừng có thể giúp làm dịu dạ dày của bạn cũng như giảm cảm giác buồn nôn. Bạn có thể thử dùng:

  • Viên uống chiết xuất từ gừng.
  • Kẹo gừng.
  • Bia gừng làm từ gừng thật.
  • Trà gừng làm từ gừng tươi. 
Trà giúp bạn giảm cơn buồn nôn. Ảnh Internet 

2.7. Bạn có cần uống nhiều chất lỏng khi bị ốm nghén buồn nôn không?

Cơ thể bạn cần nhiều chất lỏng hơn khi mang thai. Bạn hãy uống nước hoặc chất lỏng thường xuyên trong ngày, chứ không chỉ khi thấy khát. Bạn hãy cố gắng tiêu thụ từ 8 – 12 ly nước mỗi ngày.

Nếu miệng bạn có cảm giác nhạt nhẽo khiến bạn không muốn uống nước, hãy thử nhai kẹo cao su hoặc ngậm kẹo cứng.

Bạn hãy lưu ý rằng việc không cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể sẽ dẫn đến mất nước, khiến tình trạng buồn nôn trở nên nghiêm trọng hơn.

2.8. Bạn có thể làm gì nếu mùi thức ăn khiến bạn bị buồn nôn?

Nếu mùi thức ăn khiến bạn buồn nôn, hãy chủ động tránh xa chúng nhất có thể. Nếu bạn nấu ăn, hãy sử dụng quạt để xua bớt mùi, và nhờ người khác đổ rác giúp. 

Mùi của một số đồ ăn thức uống dễ khiến bạn bị buồn nôn – hãy tránh xa chúng. Ảnh Internet 

2.9. Bạn nên làm gì để bảo vệ răng nếu thường xuyên bị nôn?

Khi thường xuyên bị nôn, axit dạ dày có thể làm hỏng men răng của bạn. Bạn hãy súc miệng với nước pha baking soda để làm sạch axit và bảo vệ răng.

2.10. Khi nào bạn cần đến bệnh viện để điều trị tình trạng ốm nghén buồn nôn?

Nếu tình trạng ốm nghén buồn nôn và nôn của bạn kéo dài, ngày càng nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt cũng như công việc của bạn, bạn cần được điều trị tại bệnh viện cho đến khi tình trạng này được kiểm soát.

Bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn sử dụng các phương pháp cũng như các loại thuốc phù hợp và an toàn cho thai kỳ. 

Nếu bạn ốm nghén buồn nôn kéo dài và ngày càng nghiêm trọng nên đi bệnh viện để được điều trị. Ảnh Internet 

Ốm nghén buồn nôn là tình trạng rất thường gặp ở các mẹ bầu. Bạn có thể trải qua các mức độ buồn nôn và nôn khác nhau, tùy thuộc vào cơ địa của mình. Trong một số ít trường hợp, ốm nghén buồn nôn có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nào đó, hoặc là khởi đầu của hiện tượng ốm nghén kéo dài. Lúc này, bạn cần được thăm khám và điều trị để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân cũng như em bé trong bụng.

Theo ACOG

Lily Nguyễn lược dịch

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận