Nuôi dạy trẻ đúng cách có lẽ là việc mà mọi bậc cha mẹ đều muốn thực hiện. Tuy nhiên, với hoàn cảnh, quan điểm và lối sống khác nhau, mỗi gia đình sẽ có cách giáo dục con riêng của mình. Và, phụ huynh từ góc nhìn chủ quan, đều cho rằng cách của mình là đúng. Vậy, thực sự những cách ấy đúng đến đâu. Bạn đã bước đến vạch nào của hành trình nuôi dạy con cái. Hãy cùng xem những điều cơ bản được xem là đúng đắn khi nuôi dạy một đứa trẻ nhé.
Quá trình nuôi dạy con cái gồm rất nhiều lĩnh vực cần cha mẹ thực hiện một cách đúng đắn. Chúng bao gồm những phần cụ thể như dưới đây.
1. Giúp trẻ xây dựng một lịch trình lành mạnh là một phần của việc nuôi dạy trẻ đúng cách
1.1. Bạn hãy ưu tiên trách nhiệm làm cha mẹ trước
Ưu tiên cho trách nhiệm làm cha mẹ là việc không phải lúc nào bạn cũng làm được, nhất là trong thế giới nhiều thử thách như hiện nay. Tuy nhiên, đây là điều bạn cần thực hiện. Sự phát triển của trẻ chính là lựa chọn cần được bạn quan tâm hàng đầu.
Khi đã trở thành cha mẹ, bạn phải học cách hy sinh và đặt nhiệm vụ nuôi dạy trẻ lên trên nhu cầu của bản thân. Tất nhiên điều đó không có nghĩa là bạn phải quá khắt khe với chính mình. Mà chỉ là, bạn hãy làm quen với việc đặt nhu cầu của trẻ lên trước.
Có hai điều bạn hãy lưu ý đó là:
- Bạn có thể cùng bạn đời luân phiên trong quá trình nuôi dạy trẻ. Như vậy cả hai bạn đều sẽ có khoảng thời gian của riêng mình.
- Khi bạn lập kế hoạch, lịch trình cho một tuần, hãy tập trung vào trẻ. Và khi ở bên cạnh con, hãy tạm rời xa các thiết bị thông minh để thời gian bên trẻ có chất lượng hơn.
1.2. Bạn hãy đọc sách cho trẻ mỗi ngày
Một trong việc bạn hãy cố gắng thực hiện nếu muốn nuôi dạy trẻ đúng cách là hãy đọc sách cho con nghe mỗi ngày. Bạn hãy thiết lập thời gian đọc vào trước giờ ngủ trưa hoặc tối của trẻ, khoảng 30 phút đến 1 giờ mỗi ngày. Việc được làm quen với văn viết sẽ giúp phát triển tình yêu đối với việc đọc sách sau này. Nó còn rất hữu ích vì giúp trẻ giảm tỷ lệ hình thành hành vi xấu khi đến trường.
- Khi trẻ đã bắt đầu học viết hay đọc, hãy để trẻ cùng đọc với bạn hoặc tự đọc. Bạn đừng quá sốt ruột mà chỉnh lỗi của trẻ mỗi câu, từ trẻ đọc sai. Việc này sẽ dần khiến trẻ mất hứng thú và giảm sự ham thích đối với việc đọc sách.
- Bạn có thể đọc lại cho trẻ nghe câu chuyện con thích bao nhiêu lần tùy ý con. Việc này sẽ giúp con rèn luyện khả năng đọc trôi chảy hơn.
1.3. Hãy cùng nhau ăn tối
Một trong những xu hướng nguy hiểm nhất của thời hiện đại chính là sự mai một của bữa ăn gia đình. Có vẻ như mọi người quá bận rộn đến nỗi việc cùng nhau ăn cơm cũng trở nên quá khó khăn.
Bạn nên lưu ý rằng bàn ăn không đơn thuần là nơi mọi người tập trung ăn uống. Đó là nơi bạn có thể uốn nắn trẻ về thái độ và cách cư xử đúng mực. Bữa cơm gia đình cũng là khoảng thời gian mọi người giao tiếp với nhau về những điều mình đã trải qua trong ngày. Từ đó tăng sự kết nối và làm bền chặt thêm mối quan hệ giữa các thành viên.
Trong bữa ăn gia đình, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Nếu con bạn là một đứa trẻ kén ăn, đừng dành cả bữa tối để soi mói xem con ăn được bao nhiêu hay không ăn gì. Việc này sẽ khiến trẻ thấy dị ứng khi phải ngồi ăn chung với mọi người.
- Hãy để trẻ tham gia vào quá trình chuẩn bị bữa ăn. Bạn có thể nhờ con nhặt rau, rửa rau, dọn bàn, xếp chén đĩa,…Trẻ sẽ thấy mình được coi trọng và là một phần của gia đình.
- Hãy gợi mở một cuộc trò chuyện nhẹ nhàng, cởi mở. Ví dụ như “Ngày hôm nay của con thế nào”. Đây là cơ hội để mọi thành viên trong gia đình chia sẻ về những gì mình trải qua trong ngày. Từ đó mọi người, nhất là trẻ, sẽ thấy không bị quá sức chịu đựng khi gặp phải một khó khăn nào đó.
- Hãy chế biến các món ăn theo khẩu phần gia đình. Nghĩa là trẻ sẽ tự chọn số lượng và loại món ăn cho khẩu phần của mình. Như vậy, bạn sẽ giúp trẻ hình thành và xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh về sau này.
1.4. Hãy giúp trẻ tạo lập thói quen ngủ và tuân thủ nó một cách chặt chẽ
Trẻ không nhất thiết phải đi ngủ theo giờ giấc chính xác từng phút mỗi đêm. Nhưng bạn cần giúp trẻ xây dựng lịch ngủ cố định và tuân thủ nghiêm túc lịch trình đó. Khả năng nhận thức của trẻ có thể giảm vài cấp độ nếu trẻ chỉ cần thiếu ngủ 1-2 giờ. Vì vậy, điều quan trọng là trẻ phải được nghỉ ngơi nhiều nhất trước khi chính thức đi học.
Dưới đây là những điều bạn cần lưu ý về việc ngủ của trẻ:
- Lịch trình ngủ nên bao gồm một khoảng thời gian tĩnh lặng: không tivi, điện thoại, âm nhạc hay bất kì thiết bị điện tử nào. Và bạn cũng nên nói chuyện hoặc đọc sách cho trẻ nghe.
- Bạn không nên cho trẻ ăn đồ ngọt trước giờ ngủ vì chúng sẽ khiến con khó ngủ hơn.
1.5. Hãy khuyến khích trẻ rèn luyện và phát triển kĩ năng mới mỗi tuần
Bạn không nhất thiết phải sắp xếp hàng chục hoạt động khác nhau cho trẻ. Nhưng ít nhất, hãy tìm 1-2 hoạt động khác nhau mỗi tuần cho trẻ tham gia. Đó có thể là bất kì môn thể thao hay nghệ thuật nào từ bóng đá đến lớp vẽ hay piano. Hãy tạo cơ hội cho trẻ thử càng nhiều thứ càng tốt. Trừ khi trẻ thể hiện sự yêu thích hoặc tài năng đặc biệt với một môn cụ thể nào đó, thì bạn có thể cho trẻ dành nhiều thời gian cho môn đó hơn.
Bạn cũng đừng quên khen ngợi, động viên trẻ về những gì con đã thực hiện trong các hoạt động mới nhé.
Việc đưa trẻ đến tham gia các lớp học khác nhau sẽ giúp con học cách xây dựng các mối quan hệ xã hội bằng việc kết giao với những trẻ khác.
Trong quá trình giúp trẻ rèn luyện kĩ năng, bạn đừng nên lười biếng. Khi trẻ phàn nàn rằng con không muốn đến lớp đàn (nhưng bạn biết thực ra trẻ rất thích, và việc không muốn đến đó chỉ là cách trẻ thể hiện mình), bạn đừng nên trở thành đồng lõa vì bản thân cũng đang không muốn đưa con đi.
1.6. Hãy cho trẻ thời gian chơi đùa mỗi ngày
Việc cho trẻ dành thời gian vui chơi không có nghĩa là ngồi trước chiếc tivi hay điện thoại. Bạn hãy cùng con chơi những món đồ chơi giúp phát triển trí não một cách tập trung. Bạn có thể thấy mệt hay chán nhưng nên cố gắng cho trẻ thấy được lợi ích của việc chơi với những món đồ chơi này.
Bạn cũng không nhất thiết phải mua thật nhiều đồ chơi cho trẻ . Điều quan trọng là sự sáng tạo khi chơi. Và bạn sẽ ngạc nhiên vì món đồ yêu thích trong tháng của trẻ chỉ là lõi giấy vệ sinh.
2. Yêu thương cũng là một phần quan trọng của việc nuôi dạy trẻ đúng cách
Chắc chắn cha mẹ nào cũng yêu thương con cái, nhưng cách thể hiện tình yêu đó không phải lúc nào trẻ cũng hiểu được. Hoặc cách làm của cha mẹ không giúp ích cho sự phát triển lâu dài của trẻ.
Dưới đây là những điều bạn có thể áp dụng trong việc thể hiện tình yêu của mình với trẻ một cách đúng đắn:
2.1. Bạn hãy học cách lắng nghe trẻ
Trở thành nguồn truyền cảm hứng và ảnh hưởng đến trẻ một cách tự nhiên chính là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm để thể hiện tình yêu với trẻ.
Cha mẹ thường không có thói quen lắng nghe trẻ mà chỉ dành toàn bộ thời gian của mình để hét những mệnh lệnh vào mặt chúng. Việc này sẽ khiến trẻ thấy mình không được tôn trọng hay quan tâm.
Bạn nên học cách lắng nghe suy nghĩ và mong muốn của trẻ. Khuyến khích trẻ trò chuyện là một cách hay. Vì nó không những giúp bạn hiểu được con mà còn giúp trẻ dễ thành công hơn khi giao tiếp trong tương lai.
2.2. Bạn hãy tôn trọng trẻ
Bạn đừng bao giờ quên rằng trẻ dù nhỏ nhưng vẫn là một cá thể độc lập, có suy nghĩ và cảm xúc như bất kì người nào khác.
Vì vậy, trong mọi việc, hãy tôn trọng trẻ.
Đừng vì trẻ kén ăn mà chì chiết con trong bữa cơm. Đừng vì trẻ chưa tập tự đi vệ sinh được mà làm con xấu hổ khi nhắc đến chuyện đó nơi công cộng. Đừng vì mệt mỏi mà nuốt lời hứa dẫn trẻ đi xem phim nếu con ngoan,…
Bạn muốn trẻ tôn trọng bạn, thì bạn hãy là người thực hiện điều đó trước, hãy tôn trọng con.
2.3. Bạn hãy ý thức rằng, tình yêu dành cho con cái không bao giờ là đủ
Chúng ta vẫn thường nghe nói rằng yêu con quá sẽ làm cho con hư. Điều này chỉ đúng khi bạn thể hiện tình yêu của mình một cách thái quá, không lí trí. Chính việc bao bọc trẻ quá mức, đáp ứng mọi yêu cầu vô lý của trẻ, không chỉnh dạy trẻ khi con có hành vi xấu, cho con chơi đồ chơi, xem điện thoại thay vì chơi cùng con,…mới khiến cho một đứa trẻ dễ trở nên hư hỏng.
Việc bạn cho con biết con được yêu thương, quan tâm, chú ý sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của con.
Bạn hãy nói bạn yêu trẻ ít nhất một lần một ngày, nhưng tốt nhất là càng thường xuyên càng tốt.
2.4. Bạn hãy quan tâm đến cuộc sống hàng ngày của trẻ
Quan tâm đến cuộc sống hàng ngày của trẻ không có nghĩa là bạn phải ở bên cạnh con mọi lúc trong mọi ngày. Nhưng là bạn xây dựng một “hệ thống” hỗ trợ và ủng hộ mạnh mẽ đối với trẻ. Hãy có mặt ở những khoảnh khắc nhỏ nhưng quan trọng đối với con. Ví dụ như cuộc thi đấu bóng đá đầu tiên, buổi dã ngoại hay tắm biển của gia đình,…
Một khi trẻ đi học, bạn cần nắm được thông tin về lớp học, giáo viên và những hoạt động ngoại khóa của trẻ. Hãy cùng con nghiên cứu bài tập về nhà, tìm cách tháo gỡ khó khăn (nhưng không bao giờ làm bải hộ trẻ).
Khi trẻ lớn hơn, bạn có thể giảm dần thời gian bên cạnh trẻ. Đồng thời khuyến khích con tự khám phá những sở thích của bản thân.
2.5. Bạn hãy khuyến khích trẻ tự lập
Khuyến khích trẻ tự lập không có nghĩa là bạn để trẻ tự do làm mọi thứ một cách không kiểm soát. Ngược lại, hãy gợi mở những lựa chọn, những khả năng và để trẻ tự chọn chúng. Khi trẻ muốn tự chọn quần áo để mặc, hãy cung cấp một số lựa chọn (phù hợp với hoàn cảnh, thời tiết,…) và để trẻ đưa ra quyết định cuối cùng sẽ mặc gì. Khi trẻ muốn tự chơi đồ chơi với bạn, hãy để trẻ chơi (bạn có thể quan sát để đảm bảo trẻ không gặp hay gây nguy hiểm cho mình hay trẻ khác),…
Bạn hãy cho trẻ được lựa chọn càng nhiều càng tốt. Chúng có thể giảm dần theo độ tuổi của trẻ.
Khi trẻ rèn luyện được khả năng tự lập càng sớm, thì suy nghĩ của con cũng trưởng thành sớm hơn.
3. Nuôi dạy trẻ đúng cách không thể thiếu việc giúp trẻ rèn luyện tính kỉ luật
Tính kỉ luật vô cùng quan trọng đối với quá trình phát triển của trẻ. Đặc biệt khi trẻ lớn dần, trưởng thành và sống trong tập thể, cộng đồng.
Để giúp trẻ rèn luyện tính kỉ luật, bạn hãy lưu ý những việc sau:
3.1. Bạn nên đưa ra giới hạn với trẻ
Trong quá trình nuôi dạy trẻ, bạn cần đưa ra một giới hạn hợp lý. Đó có thể là một hình phạt (theo cách hiểu của trẻ) nhưng không nhất định phải dùng roi vọt. Vì trẻ thấy hay phải chịu bạo lực sẽ có xu hướng bạo lực với người khác. Hoặc sau khi bị bạo lực, trẻ có thể bị mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương.
Điều bạn nên làm là sử dụng hình phạt một cách phù hợp. Và quan trọng là trẻ phải hiểu được mục đích của việc bị phạt là để trẻ rút ra bài học thích đáng, điều đó bắt nguồn từ tình yêu thương của cha mẹ chứ không phải sự thù ghét.
Như vậy, là cha mẹ, bạn sẽ cần các công cụ giúp ích cho sự nhận thức để điều chỉnh các hành vi không mong muốn ở trẻ.
Thay vì đưa ra một hình phạt khó hiểu, ví dụ như “nếu con chạy xe ba bánh ra đường, con sẽ phải đội quyển sách và úp mặt vào tường”, hãy rút lại một đặc quyền của trẻ. Ví dụ như nếu trẻ cố tình chạy xe ba bánh ra đường, trẻ sẽ không được sử dụng xe trong suốt thời gian còn lại của ngày đó. Hình thức phạt này sẽ giúp trẻ kết nối hành vi với việc bị rút đặc quyền. Từ đó điều chỉnh lại mình một cách tốt hơn.
3.2. Bạn hãy khen thưởng trẻ khi con làm tốt việc gì, hay có hành vi tốt
Việc khen thưởng hành vi tốt của trẻ thậm chí còn quan trọng hơn việc phạt trẻ vì hành vi xấu. Đừng không nói gì khi con làm được việc gì đó tốt nhưng lại phạt khi con làm sai.
Việc khen thưởng hay cách khen con phù hợp đúng lúc sẽ giúp trẻ biết mình được ba mẹ quan tâm và công nhận. Từ đó, khiến trẻ nỗ lực hơn trong tương lai.
Bạn có thể nói bạn tự hào vì trẻ khi con chia sẻ đồ chơi, hay kiên nhẫn đợi xe chạy qua mà không lao ra đường,…Trẻ sẽ thực sự thấy mình được xem trọng.
Về phần thưởng, một món đồ chơi hay món ăn mà trẻ thích sẽ xứng đáng với việc làm của con. Nhưng bạn đừng làm cho nó trở thành thông lệ, và khiến trẻ nghĩ rằng chúng xứng đáng được thưởng như vậy bất cứ khi nào có hành vi tốt.
3.3. Bạn phải kiên định và nhất quán
Nếu bạn muốn rèn luyện tính kỉ luật cho trẻ một cách hiệu quả, thì phải kiên định.
Bạn không thể phạt con vì một hành động nào đó vào một ngày, và lại thưởng cho hành động đó vào một ngày khác, hay thậm chí không nói gì về nó vào một ngày khác nữa. Việc này sẽ khiến trẻ bối rối và không còn tin vào lời nói của bạn nữa.
Bạn hãy thống nhất với chồng và người thân trong nhà để đảm bảo mọi thứ luôn nhất quán nhé.
3.4. Bạn hãy giải thích những quy định của mình
Bạn đừng chỉ yêu cầu trẻ làm hay không làm gì. Hãy giải thích với trẻ vì sao bạn lại yêu cầu như vậy, những điều đó tốt và hại đối với trẻ như thế nào.
Việc này sẽ giúp trẻ học được cách suy xét về hậu quả trước khi định làm một việc gì đó.
3.5. Bạn hãy dạy trẻ biết chịu trách nhiệm với hành động của mình
Việc dạy trẻ biết chịu trách nhiệm với hành động của mình là một phần quan trọng trong quá trình rèn luyện tính kỉ luật. Nếu trẻ làm điều gì đó sai trái, hãy yêu cầu trẻ giải thích lý do vì sao lại hành động như vậy, và chịu trách nhiệm về hậu quả của chúng. Ví dụ như khi trẻ ném đồ ăn xuống sàn nhà, bạn hãy yêu cầu con giải thích vì sao, đồng thời dọn chỗ đồ ăn mình vừa ném.
Bạn cũng nên lưu ý hãy trò chuyện với trẻ sau khi sự việc xảy ra nhé. Hãy giúp con hiểu mọi người đều có thể mắc lỗi, và điều quan trọng là cách phản ứng và xử lý lỗi lầm đó.
4. Giúp trẻ xây dựng nhân cách là phần cực kì quan trọng trong nuôi dạy trẻ đúng cách
Tính cách là một phần quan trọng giúp trẻ sống tốt khi trưởng thành. Và để tạo điều kiện cho con xây dựng nó, bạn hãy lưu ý những điểm sau:
4.1. Đừng chỉ giáo dục nhân cách bằng lời nói suông
Chúng ta có được nhân cách tốt thông qua quá trình thực hành. Bạn có thể giúp trẻ bằng cách thúc đẩy các hành vi đạo đức thông qua kỷ luật tự giác, thói quen làm việc tốt, cư xử tử tế và ân cần với người khác và phục vụ cộng đồng.
Bất kể trẻ đang ở độ tuổi nào, bạn luôn có thể dạy con đối xử tử tế với người khác.
4.2. Bạn hãy trở thành tấm gương cho trẻ
Trong mọi mặt của quá trình nuôi dạy trẻ, chúng sẽ luôn nhìn vào hành động của bạn chứ không phải lời nói. Vì vậy, bạn phải là tấm gương để trẻ noi theo. Bạn muốn trẻ có những đức tính như thế nào, hãy thực hiện chúng trước, trẻ sẽ lấy đó làm gương để học tập.
4.3. Bạn hãy luôn để mắt, để tai đến những thứ mà trẻ vô tình hay cố ý đọc được, nghe được từ môi trường xung quanh
Trẻ em giống như một miếng bọt biển, sẽ dễ dàng hấp thụ mọi thứ mà không hoặc chưa phân biệt được chúng tốt hay xấu. Nhiệm vụ của bạn là kiểm soát những thứ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.
Nếu bạn và trẻ thấy điều gì đó khó chịu như hai người tranh cãi ở cửa hàng tạp hóa, hay một clip bạo lực trên tin tức, đừng bỏ qua cơ hội trò chuyện với trẻ về chúng.
4.4. Bạn hãy dạy trẻ biết cư xử lễ độ và đúng mực
Bạn hãy dạy trẻ biết nói cảm ơn , làm ơn và luôn tôn trọng người khác. Bên cạnh đó là cư xử lễ độ với người lớn, tôn trọng anh chị em và tránh gây gổ với bạn bè.
Những hành động này sẽ theo trẻ suốt đời và là yếu tố quan trọng giúp trẻ thành công trong tương lai.
4.5. Bạn chỉ nên sử dụng những từ ngữ mà bạn muốn trẻ cũng sử dụng
Người lớn chúng ta thường có một thôi thúc về việc chửi thề, phàn nàn, nói xấu hay nói những điều tiêu cực về một người mà ta không thích, dù chỉ là qua điện thoại. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng trẻ luôn chú ý đến lời ăn tiếng nói của bạn. Vì vậy, hãy học cách kiềm chế và không dùng những từ ngữ tiêu cực trước mặt trẻ. Nếu bạn và bạn đời tranh cãi về vấn đề gì đó, hãy thực hiện sau cánh cửa đóng. Như vậy bạn sẽ tránh được cảnh trẻ nghe thấy và bắt chước những điều bạn không muốn.
Nếu bạn lỡ nói một câu hay từ ngữ tồi tệ nào đó và trẻ nghe thấy, đừng giả vờ như nó khong xảy ra. Tốt nhất là bạn xin lỗi trẻ và hứa việc này sẽ không lặp lại. Nếu bạn không nói gì, trẻ sẽ nghĩ là dùng từ đó ổn.
4.6. Bạn hãy dạy trẻ biết cảm thông và đồng cảm với người khác
Khả năng đồng cảm là một đức tính cực kì quan trọng mà không bao giờ là quá sớm để dạy trẻ. Một đứa trẻ biết đồng cảm khi lớn lên sẽ là một người bao dung, không tự tiện phán xét người khác, cũng như biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy nghĩ.
Để dạy trẻ đồng cảm , biết cảm thông, bạn hãy thay sự chỉ trích, nhận xét tiêu cực bằng việc giúp con nhìn ra những điều/ những khía cạnh tích cực từ con người hay sự việc.
Ví dụ, khi cô phục vụ quên đơn đặt món ăn của bạn, đừng nói với trẻ là cô ấy lười hay ngốc, hãy chỉ cho trẻ thấy cô phải phục vụ nhiều khách trong thời gian cả ngày dài như thế nào, điều đó khiến cô mệt mỏi ra sao. Từ đó trẻ sẽ thấy dễ dàng thông cảm cho quên sót của cô ấy.
4.7. Bạn hãy dạy trẻ lòng biết ơn
Dạy trẻ lòng biết ơn khác với việc bắt trẻ phải nói cảm ơn một cách sáo rỗng.
Bạn chỉ dạy được con khi chính bạn thể hiện lòng biết ơn của mình với người khác. Bên cạnh việc tự mình nói cảm ơn, bạn hãy giải thích cho trẻ những điều tích cực mà hành động của người khác đem lại cho mình. Từ đó, trẻ sẽ hiều được nguồn gốc sâu xa và ý nghĩa của việc nói cảm ơn, hơn là chỉ nói hai từ “thank you” một cách máy móc.
Nuôi dạy trẻ đúng cách là một hành trình rất dài đầy chông gai thử thách đối với mọi bậc cha mẹ. Bạn có thể thấy mệt mỏi, nản chí hay muốn buông xuôi ở một thời điểm nào đó. Tuy nhiên, hãy nghĩ đến thành quả là những con người trưởng thành, biết suy nghĩ, biết cách cư xử, biết tôn trọng, biết đồng cảm,…để cố gắng hơn. Nỗ lực của bạn sẽ được đền đáp xứng đáng. Không phải từ vật chất hay bằng cấp của trẻ, mà khi thấy con biết yêu thương chia sẻ với người thân, bạn bè cũng như biết sống có ích cho cộng đồng, xã hội.
Theo Wikihow
Lily Nguyễn lược dịch