Ngứa hoặc đau hậu môn là hiện tượng khá phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt với những trẻ táo bón kéo dài. Vậy đây là bệnh lý gì và cha mẹ cần làm gì để khắc phục tình trạng này.
1. Nguyên nhân trẻ bị ngứa hoặc đau hậu môn
– Nứt hậu môn: Những sang chấn tại chỗ sẽ gây căng dãn quá mức ống hậu môn và tạo nên những vết rạch niêm mạc theo chiều dọc ở ống hậu môn. Nguyên nhân chủ yếu do bị táo bón, đi cầu phân khô, trẻ rặn nhiều gây nứt hậu môn. Khi bị nứt hậu môn trẻ có thể đi ngoài kèm theo máu, ngứa ngáy, tăng trương lực co thắt của cơ vòng hậu môn.
– Trẻ bị trĩ: Dấu hiệu đầu tiên của trĩ là trẻ thường cảm thấy đau rát vùng hậu môn, đôi khi ngứa nóng khó chịu và muốn gãi, đi cầu đau.
– Trẻ bị giun kim: Môi trường sống bị ô nhiễm hoặc trẻ thường xuyên mặc quần quá chật, tiếp xúc trực tiếp hậu môn với nền nhà/đất/sân vườn dẫn tới bị nhiễm giun kim. Khi bị nhiễm giun kim trẻ thường xuyên bị ngứa ngáy khó chịu vào ban đêm và ngủ chổng mông. Nguyên nhân do về đêm, giun kim thường bò ra ngoài lỗ hậu môn để đẻ trứng khiến trẻ ngứa ngáy khó chịu.
– Trẻ bị khô da vùng hậu môn: do cha mẹ thường xuyên rửa vùng hậu môn cho trẻ bằng các nước rửa có chất tẩy mạnh làm khô da dẫn tới vùng hậu môn bị nứt, khô và ngứa ngáy.
– Hậu môn bị viêm nhiễm do vệ sinh không sạch sẽ, thường xuyên mặc quần bó. Vùng hậu môn sẽ có dấu hiệu sưng đỏ, thậm chí bưng mủ nếu không được phát hiện kịp thời và vệ sinh sạch sẽ thường xuyên.
2. Làm gì khi trẻ ngứa ngáy, đau vùng hậu môn?
Để có thể xác định trẻ mắc bệnh gì vùng hậu môn dẫn tới ngứa ngáy hoặc đau, khó chịu, cha mẹ nên đưa trẻ tới các bệnh viện chuyên khoa để thăm khám.
Trong trường hợp trẻ bị trĩ hoặc gặp các vấn đề viêm nhiễm từ trong ống hậu môn thì cần phải được điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa và có phác đồ riêng. Việc từ điều trị tại nhà lúc này có thể khiến bệnh nặng hơn và gây thêm đau đớn cho trẻ.
Trong trường hợp trẻ chỉ bị viêm nhiễm nhẹ vùng hậu môn:
– Cho trẻ ăn đồ mát để đi cầu dễ hơn.
– Cho trẻ uống nhiều nước giúp phân mềm.
– Ngâm rửa hàng ngày hậu môn với nước muối ấm. Có thể nấu nước rau diếp cá, tía tô, muối và ngâm khoảng 10 – 15 phút mỗi ngày cho trẻ.
– Nếu trẻ ngứa nhiều và không đỡ nên đưa trẻ đi khám.
Trong trường hợp trẻ bị giun kim, mẹ nên:
– Cho trẻ uống thuốc xổ giun.
– Cho trẻ uống nhiều nước, ăn đồ mát.
– Nên ngâm rửa hậu môn cho trẻ để tránh nhiễm trùng.
– Mẹ có thể soi đèn bắt giun kim cho trẻ vào ban đêm khi giun kim chui ra hậu môn đẻ trứng.
– Luôn giữ gìn chân tay trẻ sạch sẽ, tránh cho trẻ tiếp xúc hậu môn với đất, nền nhà…
Khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu bệnh năng hơn, mẹ nên đưa trẻ tới bác sĩ để được thăm khám kịp thời.
(Tổng hợp)