Mách nhỏ các mẹ cách rặn đẻ đỡ tốn sức để sinh con dễ dàng

0
16

Các mẹ đã từng sinh có cách rặn đẻ như nào để đỡ tốn sức? Hãy cùng nghe kinh nghiệm của các mẹ về vấn đề này nhé!

Phần lớn các sản phụ khi lên bàn sinh đều theo bản năng để tự rặn đẻ

Phần lớn các sản phụ khi lên bàn sinh đều theo bản năng để tự rặn đẻ. Số ít có thể đã từng thực hành trong các lớp tiền sản nhưng cơn đau sẽ khiến các mẹ không thể nào nhớ được những gì đã học. Không ngoại lệ những trường hợp chưa từng sinh và cũng chưa từng được học nhưng lại rặn đẻ một cách dễ dàng. Vậy cách rặn đẻ nào sẽ giúp bạn sinh con dễ dàng nhất?

Cách rặn đẻ của các mẹ có kinh nghiệm

Mỗi một bà mẹ đều có những cách rặn đẻ khác nhau. Chẳng hạn, trong trường hợp của Thanh Mai, dù chưa từng sinh nhưng theo hướng dẫn của nữ hộ sinh trong phòng đẻ, chị cũng có thể sinh con dễ dàng. Theo chị, khi rặn đẻ “chỉ cần hít thở thật sâu bằng mũi, miệng ngậm và rặn đẻ theo cơn thúc đẻ tự nhiên. Muốn hơi thở đều thì các mẹ hướng cằm về phía ngực, dang chân rộng và tỳ tay vào đùi chân để lấy điểm tựa. Về việc kiểm soát hơi thở, chỉ cần theo hướng dẫn của nữ hộ sinh và bình tĩnh thực hiện theo thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn”.

Có kinh nghiệm sinh hai con, mẹ Ken chia sẻ “Sinh con lần đầu do không có kinh nghiệm nên khi lên bàn sinh là chân tay lạnh toát. Chính vì sợ và quá đau nên mình không đủ hơi để rặn. Cũng may có y tá ở bên hướng dẫn tỉ mỉ lúc nào hít sâu, lúc nào thở ra. Nhiều mẹ truyền kinh nghiệm nhìn vào màn hình của máy monitor nhưng theo mình khi ấy chẳng ai có đủ tâm trí để dõi theo cái máy dò ấy. Hơn nữa, không phải phòng sinh nào cũng đặt máy monitor trước mặt sản phụ. Tốt nhất, chỉ nên làm theo bản năng và theo hướng dẫn của các y tá. Khi thấy cảm giác như sắp muốn rặn đi “ị”, cơn đau co thắt tử cung sẽ giảm. Vì thế, nên lấy lại bình tĩnh và chú ý đến từng lời hướng dẫn. Chỉ rặn khi có dấu hiệu từ các bác sĩ, sau đó hít thở sâu và rặn từng cơn vì nếu hụt hơi, bạn sẽ phải bắt đầu lại từ đầu và khiến quá trình rặn đẻ kéo dài”.

Đó là cách rặn đẻ theo kinh nghiệm của các bà mẹ đã từng sinh con. Vậy theo các chuyên gia, rặn đẻ như thế nào là đúng kỹ thuật để để tốn sức?

Cách rặn đẻ theo hướng dẫn của chuyên gia

Các bác sĩ Sản – Phụ khoa thường khuyên thai phụ cần phải lấy lại bình tĩnh và rặn có hiệu quả. Nếu rặn quá sớm hoặc quá muộn đều khiến cơn đau chuyển dạ kéo dài và dẫn đến trường hợp sinh khó, gây nguy hiểm cho chính mẹ và thai nhi. Có không ít trường hợp thai chết lưu do ngạt khi qua đường sinh hoặc do mẹ quá mệt. Ngoài ra, nếu chuyển dạ kéo dài còn dễ dẫn đến tình trạng băng huyết sau sinh và tổn thương đường sinh dục theo nhiều cách khác nhau.

Sau cơn rặn đẻ theo hướng dẫn của các chuyên gia, em bé sẽ chào đời khỏe mạnh

Dưới đây là cách rặn đẻ theo hướng dẫn của các chuyên gia:

Kiểm soát nhịp thở:

Dựa theo diễn tiến của cơn co thắt tử cung, bạn nên tập trung vào việc kiểm soát hơi thở của chính mình.

– Khi cơn co thắt dữ dội đến, cố gắng tập trung vào hơi thở để tập thở nhanh dần. Khi thở dùng miệng và khi hít hơi dùng mũi. Khi cơn đau mỗi lúc một tăng nhanh thì nhịp thở phải nhanh và nông hơn. Khi tần suất nhịp thở tăng dần thì nên kéo dài hơi thở. Lúc phải thở ra cố gắng tạo được tiếng rít gần như tiếng huýt sáo nhỏ. Nếu thấy bớt đau, nên thở chậm lại và thở sâu hơn.

– Trong lúc nghỉ giữa các cơn co thắt tử cung, nên thở sâu nhẹ nhàng như lúc hít thở bình thường để nhanh chóng lấy lại sức cho những đợt thở nhanh. Tốt nhất, nên thả lỏng cơ thể và thư giãn hoàn toàn.

– Khi có dấu hiệu cho phép rặn đẻ từ các bác sĩ, nên tập trung nghe kỹ từng lời và làm theo đúng hướng dẫn để tăng hiệu quả đẩy thai nhi ra khỏi bụng mẹ và đường sinh. Nếu làm sai cách rặn đẻ theo hướng dẫn, mẹ sẽ dễ bị mất sức và kéo dài giai đọan xổ thai, gây nguy hiểm cho tính mạng của thai nhi.

Cách rặn đẻ:

– Khi cảm nhận thấy bụng gò cứng dần, cơn đau xuất hiện và kèm theo cơn rặn như lúc đi ngoài, bạn nên hít một hơi thật sâu. Sau đó nhịn thở, miệng chặt miệng, nắm hai tay thật chặt lên tay vịn của bàn sinh, đạp mạnh hai chân theo bàn đạp của bàn sinh và dồn một hơi thật mạnh và sâu để rặn. Khi đẩy hơi xuống vùng bụng dưới, bạn sẽ giúp thai nhi lọt lòng dễ dàng. Nếu thấy vẫn còn cơn đau, tiếp tục lấy hơi khác và rặn cho đến khi không còn thấy đau. Lưu ý, khi rặn, cố gắng giữ thẳng lưng và cong mông lên phía trước, đồng thời không nên phát ra âm thanh bằng miệng khi đang rặn đẻ.

– Giữa khoảng nghỉ, nên hít thở sâu, điều hòa cơ thể và dưỡng sức cho cơn rặn đẻ tiếp theo.

Trên đây là cách rặn đẻ theo kinh nghiệm của các bà mẹ đã từng sinh và theo lời hướng dẫn của các chuyên gia. Mong rằng, đây sẽ là nguồn thông tin hữu ích để bạn có thể dùng khi lên bàn sinh. Chúc bạn mẹ tròn con vuông!

(Tổng hợp)

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận