Khi trẻ kêu đau đầu, mẹ thường cho rằng đây là hiện tượng bình thường và mặc định nguyên nhân do trẻ bị cảm sốt. Nhưng không hẳn là như vậy!
Theo các chuyên gia sức khỏe, đau đầu ở trẻ không chỉ đơn giản là cảm sốt, nó còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân nguy hiểm khác mà mẹ cần phải lưu ý như u não, viêm màng não,…
1. Những nguyên nhân phổ biến khi trẻ bị đau đầu
Mẹ đừng chủ quan khi trẻ đau đầu
Viêm màng não
Đây là bệnh lý rất nguy hiểm ảnh hưởng tới hệ thần kinh, sức khỏe của trẻ. Bệnh thường xảy ra trong mùa nắng nóng hoặc lúc chuyển mùa, trẻ bị mắc bệnh đường hô hấp tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng, siêu vi xâm nhập vào hệ thống thần kinh và gây ra bệnh viêm màng não.
Khi mắc bệnh, trẻ thường có triệu chứng sốt, chán ăn, bú kém, rối loạn tiêu hóa, nôn, ho, đau đầu dữ dội.
Ở trẻ sơ sinh, mẹ sẽ khó phát hiện triệu chứng viêm màng não với các bệnh lý sốt cảm thông thường khác, vì vậy cần đi khám ngay nếu trẻ sốt trên 38 độ C (kéo dài 2 ngày dù đã uống thuốc hạ sốt). Bởi nếu để lâu, viêm màng não mủ sẽ gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm như gây điếc, mù, động kinh, liệt tay chân, thậm chí tử vong.
Đau đầu do u não
Rất nhiều mẹ kinh ngạc và sợ hãi khi phát hiện con đau đầu do u não. Trong đó, tỉ lệ mắc u não ở bé trai nhiều hơn bé gái. Bệnh này vô cùng nguy hiểm, đe dọa tới tính mạng của trẻ nếu không được phát hiện kịp thời.
Đau đầu do chấn thương
Trẻ nhỏ thường rất hiếu động, vì vậy việc trẻ va đập gây ra các tổn thương bên ngoài như xước da, đau đầu là chuyện bình thường. Tuy nhiên, mẹ lưu ý, mặc dù đây là chấn thương nhỏ nhưng nó có thể ảnh hưởng tới não, mẹ cần phải đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay lập tức. Bởi nhiều trường hợp cha mẹ chủ quan, không đưa trẻ đi thăm khám khi con va đập phần đầu dẫn tới con có thể tử vong vì bị tụ máu não.
Do căng thẳng, tâm lý bất ổn
Một trong những nguyên nhân khác gây đau đầu cho trẻ là do trẻ bị căng thẳng thần kinh, stress vì áp lực chuyện học hành, gia đình, bạn bè… Tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới chứng trầm cảm ở trẻ. Vì vậy, khi nhận thấy con bị đau đầu, thay đổi tâm tính, khó chịu, căng thẳng mẹ cần can thiệp tâm lý để con có thể bình tâm và vui vẻ trở lại.
Sử dụng các loại thực phẩm có hại
Các loại thực phẩm trẻ sử dụng hàng ngày cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ đau đầu. Đặc biệt, trẻ nhỏ rất thích đồ ăn nhanh như kẹo bánh, snack, thịt xông khói, đồ hộp… đây đều là các thực phẩm nghèo năng lượng, giàu các chất phụ gia ảnh hưởng tới thần kinh của trẻ, dẫn tới đau đầu, mệt mỏi.
Trẻ bị cảm sốt
Trẻ có thể bị sốt xuất huyết, sốt siêu vi hoăc sốt thông thường và có kèm theo dấu hiệu đau đầu theo từng cơn hoặc dữ dội, liên miên. Trong khi đó, ở trẻ sơ sinh mẹ khó có thể biết trẻ bị đau đầu khi cảm sốt là do đâu, vì vậy, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ khi con có dấu hiệu nóng sốt trên 38 độ C.
2. Mẹ nên làm gì khi trẻ bị đau đầu?
Mẹ đắp khăn ấm lên trán giúp giảm cơn đau đầu
– Khi trẻ có dấu hiệu đau đầu mẹ cần phải theo dõi biểu hiện của trẻ xem trẻ có dấu hiệu đau đầu bình thường hay có dấu hiệu đau đầu do các nguyên nhân nguy hiểm khác.
– Với trẻ lớn, mẹ cần hỏi trẻ về các dấu hiệu như có bị buồn nôn, chóng mặt, mắt có nhìn rõ, đau đầu dữ dội hay từng cơn… nếu nhận thấy nguyên nhân đau đầu gây ảnh hưởng tới các cơ quan khác trên cơ thể trẻ mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay lập tức.
– Khi trẻ nói bị đau đầu, cha mẹ tuyệt đối không quy kết trẻ đau đầu do cảm sốt thông thường hoặc căng thẳng đơn giản. Cần phải hỏi kỹ con về các biểu hiện đi kèm cơn đau đầu để phát hiện bệnh kịp thời và điều trị.
3. Các phương pháp giảm đau đầu tạm thời cho trẻ
Việc thăm khám bác sĩ khi trẻ bị đau đầu là rất quan trọng, tuy nhiên, mẹ chỉ nên thăm khám khi trẻ bị đau đầu kéo dài, liên tục, dai dẳng đi kèm nóng sốt. Vì vậy, để giúp trẻ tạm quên đi những cơn đau đầu, mẹ có thể thực hiện các phương pháp sau:
– Nếu trẻ đau đầu kèm nóng sốt trên 38 độ C, mẹ có thể dùng khăn ấm lau đầu và các vùng bẹn, nách cho trẻ để hạ nhiệt.
– Hạ sốt cho trẻ bằng cách đắp các thảo dược từ thiên nhiên như rau dấp cá, nhọ nồi (giã nhỏ và đắp lên trán trẻ).
– Cho con tham gia các trò chơi mà con thích để con tạm quên đi cơn đau đầu.
– Cho trẻ uống thật nhiều nước ấm để bổ sung nước cho cơ thể. Ngoài ra, nước ấm sẽ khiến trẻ ra mồ hôi giúp hạ nhiệt, giảm cơn đau.
Sau 2 ngày, trẻ vẫn nóng sốt và đau đầu mẹ cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.
(Tổng hợp)