Kế hoạch chuẩn bị có con với các cặp vợ chồng ngày nay là một sự chuẩn bị khá “quen thuộc”. Thậm chí bàn về chủ đề này nhiều người còn có thể thuộc lòng và kể ra cho bạn các bước hay những gì cần làm. Tuy nhiên, sẽ có một số điều chúng ta tạm thời bị quên hay xem nhẹ trong kế hoạch này, ấy chính là chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, để đón nhận hoặc đối phó những điều không mong đợi có thể xảy ra với mình. Rất cụ thể, bạn có thể thấy rõ qua 8 điều như dưới đây.
1. Kế hoạch chuẩn bị có con và sự hồi hộp chờ đợi
Mặc dù cả hai vợ chồng đã “thầm” chuẩn bị và có kế hoạch rõ ràng cho việc có em bé, song dứt khoát đều không ai tránh khỏi tâm trạng hồi hộp, chờ đợi, mong ngóng kể cả sốt ruột khi bị người khác “tọc mạch” hay hồi hộp thay “bạn có tin vui chưa”, “có thấy gì chưa”, “sao lâu thế nhỉ”,…
Có một thực tế, khi một cặp đôi chuẩn bị có con và khi họ đã sẵn sàng, có những người rất hạnh phúc vì tin vui đến khá nhanh chỉ trong vòng một vài tháng. Ngược lại, có những cặp đôi phải chờ đợi đến hơn 6 tháng hoặc lâu hơn, hay cho đến khi có sự can thiệp của y học. Sự thật này bất cứ cặp đôi nào cũng có thể đối mặt mà đôi khi trước hoặc trong kế hoạch có con của mình, các bạn tạm quên điều này đi do bận rộn với việc làm sao để nhanh có em bé, hay bận rộn vì mải lo lắng những yếu tố khác.
Trong kế hoạch chuẩn bị có con, sự hồi hộp chờ đợi hay lo lắng chắc chắn là không tránh khỏi. Vì thế, để cho kế hoạch của mình thêm phần hoàn hảo, nhẹ nhàng, các cặp đôi cũng đừng quên, xem yếu tố này là một nhịp cần thiết lưu ý để quá trình mong đợi con đến thêm sắc màu. Cũng như, cần có những “kịch bản”, “lời thoại” hay để đối ứng nhanh không chỉ với chính mình, để khích lệ tinh thần cho chính mình, mà còn với “thế giới” để tinh thần không bị ảnh hưởng.
2. Việc thụ thai không hẳn lúc nào cũng nằm trong tầm kiểm soát của bạn
Đây là một điều chắc chắn vợ chồng bạn phải lưu ý và sẵn sàng chấp nhận. Có thể, nhiều người sẽ tự tin tằng, kiểm soát sinh sản để không mang thai, tránh thai dễ như thế nào thì việc kiểm soát để sinh con cũng tương tự như thế. Điều đáng nói – thực tế lại không phải như vậy.
Vấn đề thụ thai phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố từ sức khỏe nói chung của vợ chồng bạn, sức khỏe sinh sản của cả hai và sự đều đặn của chu kỳ kinh nguyệt , chu kỳ rụng trứng, sức khỏe tinh trùng, đến cả chất lượng các cuộc yêu mà các bạn cùng trải qua, cùng đạt được.
Một em bé suốt hiện trong cuộc đời chúng ta không đơn giản như việc chúng ta đang nghĩ, hay cứ lên kế hoạch chu đáo là có ngay. Tất cả những gì chúng ta phần lớn sẽ ở phạm trù “tăng cơ hội” chứ chưa chắc, việc chúng ta chuẩn bị chu đáo nhất, tốt nhất thì sẽ thụ thai được ngay.
Trong kế hoạch chuẩn bị có con , cả hai vợ chồng phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức để chăm sóc sức khỏe và chờ đợi. Sức khỏe thể chất nói chung đôi khi có thể kiểm soát nhưng sức khỏe sinh sản thì không – luôn luôn là như vậy. Chưa kể đến, mỗi người phụ nữ có cơ địa rất khác nhau, chính vì thế việc một phụ nữ đang cố gắng để thụ thai có thể là không quá phức tạp, nhưng ở một trường hợp khác, nó lại rơi vào một tình huống gọi là khó đối phó vô cùng. Ngay cả ở một người phụ nữ, các lần mang thai của cô ấy cũng có thể diễn ra rất khác nhau và bạn cũng không ngoại lệ. Ví dụ, bạn mang thai em bé đầu tiên rất dễ dàng, nhưng em bé thư hai thì phải mất đến 6 tháng hay một năm mới có. Hay, có những người phụ nữ cố gắng trong nhiều năm vô vọng, nhưng đến khi cô ấy thụ thai, thì sau đó lại trở thành một người phụ nữ “mắn đẻ”. Điều này thực tế có nhiều.
Như thế, ngay từ khi chuẩn bị một kế hoạch để có em bé, vợ chồng bạn cũng đừng quên rằng, thụ thai là một cơ hội. Cơ hội đó có thể đến với các bạn vào lúc các bạn không ngờ đến nhất, khi hai bạn đã sẵn sàng. Hoặc cơ hội đó có khi cũng phải là rất vất vả các bạn mới có được. Nói một cách thẳng thắn nhất – việc thụ thai đôi khi không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của các bạn.
3. Đừng cố đặt mốc thời gian là tiêu chí cho việc thụ thai
Bạn cũng thấy đấy, việc chúng ta kiểm soát sinh sản bằng các biện pháp tránh thai có thể đưa ra một tiêu chí thời gian nhất định do chúng ta quyết định. Chẳng hạn vợ chồng bạn quyết định trì hoãn chuyện sinh em bé trong vòng 3 năm thì hẳn khi chúng ta lựa chọn những biện pháp tránh thai, chúng ta có thể nhờ đó không sinh con trong 3 năm như kế hoạch.
Tuy nhiên, với chuyện thụ thai có con thì việc cố đặt mốc thời gian chính xác theo kế hoạch là điều không dễ dàng. Nhiều cặp đôi sau khi ngưng các biện pháp tránh thai, họ đinh ninh rằng họ dễ dàng có em bé sau đó vì họ có sức khỏe sinh sản đều ổn. Họ tích cực chờ đợi, hăng hái chọn tên con thậm chí là phát cuồng về chuyện mua sắm, dọn nhà, làm phòng cho em bé,….Tuy nhiên, kết quả sau một vài tháng thụ thai không thành công, yếu tố thời gian với họ lại trở thành một nỗi ám ảnh, khiến họ sợ hãi và hoài nghi về khả năng có con của mình.
Một số phụ nữ còn tỏ ra thất vọng và thừa nhận đây là một sự thất bại của bản thân khi việc thụ thai, có em bé không diễn ra như họ nghĩ.
Theo các chuyên gia, điều họ luôn khuyên các cặp đôi có kế hoạch có con hay đang trong kế hoạch chuẩn bị có con rằng, việc có thai có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn bạn nghĩ. Ví dụ, các bạn đã qua tuổi đỉnh cao của việc sinh sản hay các bạn đang thực sự có chút thừa cân so với cân nặng chuẩn cho việc thụ thai thuận lợi. Như vậy, việc các bạn thụ thai bị chi phối không ít bởi yếu tố tuổi tác và sức khỏe. Các bạn đều ổn thì việc chậm có thai không phải lỗi của ai cả. Thay vì tìm điều gì đó hay một phía nào để đổ lỗi, hãy bình tĩnh cố gắng thêm một thời gian ngắn nữa. Và sau đó, nếu vẫn chưa có tin vui, hãy nhanh chóng đi bác sỹ, để họ giúp các bạn kiểm tra lại kỹ càng. Những xét nghiệm cần thiết có thể được thực hiện để giúp hai bạn thực sự sẵn sàng cho việc thụ thai trong một điều kiện thuận lợi nhất. Và các bạn hãy yên tâm, điều kiện thuận lợi sẽ giúp các bạn nhanh chóng có em bé hơn.
4. Cảm xúc có thể là bạn nhưng cũng có thể là kẻ thù
Thực vậy, khi vợ chồng mong đợi một đứa con, cảm giác háo hức phấn khởi, hồi hộp, vui sướng là khó lòng tả hết. Điều hân hoan này thật tốt biết bao cho tình dục thăng hoa, tình yêu kết trái. Tuy nhiên, cảm giác này cũng sẽ nhanh chóng tuột dốc, thay thế vào đó là nỗi phiền muộn, hoài nghi, lo lắng, sợ hãi, xấu hổ thậm chí là cảm giác tội lỗi thế nào đấy. Nhất là phụ nữ, cảm xúc của họ sẽ bị chi phối vô cùng mạnh mẽ bởi sự “thất bại” sau vài tháng cố gắng mang thai mà không thành.
Có thể thấy rõ, cảm xúc đúng là một người bạn đồng hành tuyệt vời nhưng đồng thời cũng dễ dàng trở thành một kẻ thù không đội trời chung, trong hành trình có con của bất cứ cặp đôi nào. Vì vậy, các bạn hãy thật tỉnh táo và sẵn sàng tâm lý để đón nhận niềm vui, nhưng cũng thật bình tĩnh để kiểm soát được những nỗi buồn hay thất vọng. Nếu bạn là chồng, hãy luôn khích lệ an ủi và động viên vợ để cô ấy đừng mất đi nguồn năng lượng cần có. Nếu bạn là vợ, cũng hãy luôn tạo niềm vui cho chồng, đừng để anh ấy tuột dốc trong mớ cảm xúc dằn vặt về khả năng làm cha của mình.
Một khi các bạn biết rõ và sẵn sàng nâng đỡ nhau trong lúc khó khăn về chuyện con cái, thì cũng chính là việc các bạn đang tạo thêm cho mình một cánh cửa khác, một cơ hội mới để đón con yêu đến với mình.
5. Tiết lộ hay giấu kín kế hoạch có con của bạn
Hẳn là trong kế hoạch có con, việc tiết lộ hay giấu kín kế hoạch đối với các cặp vợ chồng cũng là một chủ đề có rất nhiều mâu thuẫn. Thực tế, khi bạn sớm có con, những người xung quanh có thể có người rất mừng cho hai bạn, song, cũng sẽ có những người cho rằng các bạn rất “mắn”. Hay, khi lâu chưa có em bé, mọi người sẽ không từ bỏ câu hỏi đại loại như “chưa có tin vui à”, “khi nào mới có tin vui”, “có tin vui đi cho mọi người vui chung”, “nên có con kẻo kế hoạch lâu thì khó đẻ”,…Còn có rất nhiều câu hỏi khác đeo bám hai vợ chồng bạn bất kể bạn sinh con thuận lợi, kế hoạch hay chưa thấy có em bé…..
Khi kết hôn và có kế hoạch trì hoãn hay có kế hoạch có con, các bạn cũng nên đặt vấn đề “giữ trong bí mật” hay “tiết lộ với công chúng” hoặc có kế sách đối ứng sẵn sàng cho tình trạng của mình. Mặc dù chuyện các bạn có con hay kế hoạch là chuyện của hai bạn và không…ảnh hưởng đến hòa bình thế giới, nhưng những lời bàn tán hay câu hỏi xung quanh sẽ ít nhiều khiến các bạn rất phiền lòng.
Vì vậy, ngay từ đầu, các bạn cũng đừng quên bổ sung việc mình cần làm gì với công chúng bao gồm bạn bè không mấy thân, bà con họ hàng,…về chuyện này nhé. Tiết lộ hay giấu kín đều là quyết định mà các bạn cảm thấy phù hợp với mong muốn của mình nhất. Tuy nhiên, có một điều bạn nên nhớ rằng, cho dù là kế hoạch gì, cho dù là quyết định gì, bạn cũng có thể chia sẻ tâm tư của mình với những người thân trong gia đình hay những người bạn thân nhất. Vì họ là những người hiểu các bạn, thông cảm khi được chia sẻ, sẵn sàng ở bên các bạn và luôn khích lệ động viên khi các bạn cần điều ấy.
6. Tài chính là vấn đề không khi nào được xem nhẹ
Bất kể bạn có kế hoạch thế nào nhất là tài chính cho chuyện sinh con, bạn cũng không nên xem nhẹ. Vì sao?
Theo các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, khi đề cập đến vấn đề tài chính cho chuyện sinh con, nuôi dạy con thì đó luôn là bài toán có rất nhiều đáp án, mà có thể, bạn phải có giải đáp từ lúc nghĩ đến chuyện có con cho đến khi chúng…tự nuôi bản thân được. Một kế hoạch quá dài phải không nào!
Với một cặp vợ chồng thụ thai thuận lợi, sinh con suôn sẻ thì chuyện tài chính có thể sẽ chỉ nằm ở tiền chăm sóc sóc, chích ngừa trước khi có thai, viện phí sinh nở, tiền sữa, tiền bỉm, tiền chích ngừa,…Nhưng, đôi khi cũng khó lường trước những vấn đề có thể xảy ra liên quan đến bài toán tài chính như con ốm, gửi con nhà trẻ, gửi bảo mẫu,…
Với một cặp vợ chồng thụ thai không thuận lợi, thì vấn đề tài chính sẽ là bài toàn cần nhiều lời giải hơn như chăm sóc sức khỏe kỹ hơn, điều trị cần thiết cho việc sinh sản diễn ra thuận lợi. Hay sinh con không thuận lợi thì còn hàng tá vấn đề khác phát sinh và hoàn toàn có thể nằm ngoài tầm dự đoán hay kiểm soát.
7. Cẩn thận với những lời khuyên
Có thể nhiều cặp đôi không có sự chuẩn bị này, cũng không có sự dè chừng hay đặt ra các tình huống lỡ như mọi việc không suôn sẻ thì cần tìm đến ai.
Xu hướng chúng ta thường đi tìm những người có kinh nghiệm từng trải qua những người như ta để hỏi. Ở nhiều trường hợp điều này có thể là rất có ích, nhưng vấn đề có con lại là một phạm trù khá đặc biệt, mà đôi khi việc bạn hỏi những người đã từng kinh qua lại không giúp được gì. Thậm chí có những ý kiến còn làm vợ chồng bạn phải hoang mang, lo lắng hơn.
Liên quan đến vấn đề sức khỏe sinh sản hay thụ thai, điều vợ chồng bạn cần làm là hiểu rõ về chính các bạn và chỉ có thể cùng làm việc, nhận lời khuyên từ bác sỹ của hai bạn mà thôi.
8. Có những câu hỏi, lời nói sẽ khiến bạn phiền lòng
Khi đang có kế hoạch có con nhất là những cặp chờ lâu không thấy, thì hàng loại câu hỏi, lời khuyên, lời nói từ các nơi sẽ gửi đến cho bạn dễ khiến các bạn phiền lòng đại loại như:
“Đừng áp lực về chuyện đó. Hãy thư giãn và bạn sẽ sớm có em bé thôi!”
“Đừng sốt ruột. Khi nào có sẽ có thôi!”
“Mình có thai được, thì bạn chắc chắn cũng có!”
“Bạn sinh con đi, đừng kế hoạch nữa kẻo lớn tuổi rồi thì khó!”
Nếu bạn đang chuẩn bị chu đáo cho việc có con, thì hai vợ chồng bạn cứ thế thực hiện và tận hưởng hành trình của mình. Nếu có một sự chia sẻ tuyệt vời, khích lệ động viên tuyệt vời nào đó từ gia đình, hội bạn thân một cách tích cực làm cho bạn vui vẻ – hãy đón nhận nó như một món quà tinh thần. Còn nếu không, hãy ném chúng hết ở ngoài sân trước khi bạn bước qua cánh cửa nhà mình. Đừng mang chúng vào nhà nhé, vì chúng sẽ có cơ hội làm tổn thương những nỗ lực, kế hoạch và quá trình hạnh phúc của hai bạn.
Cuối cùng, có thể nhấn mạnh rằng kế hoạch chuẩn bị có con không phải là một gánh nặng với bất cứ cặp đôi nào. Quá trình chuẩn bị này có rất nhiều điều chúng ta cần làm, cần quan tâm và thậm chí là đối mặt như 8 vấn đề kể trên. Tuy nhiên, có con là một trải nghiệm giá trị to lớn trong đời người, chúng ta hãy tận hưởng nó thay vì chịu áp lực. Tất cả mọi điều đều có hai mặt, kế hoạch có con cũng thế. Do vậy, ngoài việc chuẩn bị sức khỏe nói chung, các bạn cũng đừng quên những khía cạnh khác nữa nhé. Hãy sẵn sàng cho cả điều đó, để kế hoạch có con của các bạn thực sự là một hành trình có đủ sắc màu phong phú nhưng thật sự hạnh phúc và không khi nào làm cho các bạn phải chơi vơi, mệt mỏi hay thất vọng hoặc hụt hẫng.
Nguồn tham khảo: NHS, Tommy’s & WebMd
Cát Lâm tổng hợp