Con đã được năm tháng, giờ mới có thời gian đọc lại nhật ký đi sinh, nhớ lại cảm xúc vẫn dạt dào, rưng rưng hạnh phúc.
Cảm ơn bác sỹ đỡ đẻ và các em thực tập sinh khi ấy đã rất tận tình với mẹ con mình.
Con đã được 5 tháng rồi, giờ nghĩ lại mẹ vẫn nhớ rõ như in cái lần đầu đi đẻ. Ảnh minh họa
Chiều hôm đó mẹ đau bụng nhưng do đọc sách nên cứ cho rằng đây là cơn gò thử, chắc vài hôm nữa mới sinh, ai dè đó chính là lúc con đang cày đầu tìm đường ra.
Buổi tối ăn uống xong xuôi, đang ngồi chén hoa quả thì đứa cháu cứ sán lại gần bá cổ, đau nên mẹ gắt: “Xê ra, không dì đá cho một cái bây giờ”. Thế rồi mẹ đau đến nỗi khuỵu xuống không ngồi ghế được. Bác dâu lo lắng: “Đưa cô vào viện nhé, khéo sắp sinh rồi đấy”.
Nghĩ cảnh người nhà phải thức đêm ngoài viện thì tội nên mẹ bảo khi nào có cơn đau dồn dập, liên tục từ 5 đến 10 phút sẽ vào. Đúng lúc ấy thì đau quá, lại thấy ra “máu cá” thế là tức tốc lên đường.
Đến khoa sản, một cô trẻ măng ân cần: “Có cần dùng cáng không ạ?”. “Mình tự đi được”. “Chị vào phòng này”, trong đó có đến bốn năm cô bé đứng trực, mẹ tái mặt nghĩ cảnh những bạn mặt búng ra sữa này sẽ đỡ đẻ cho mình, đánh liều hỏi: “Em sẽ đỡ đẻ cho chị á?”. “Không, em chỉ giúp chị làm các xét nghiệm cần thiết, bác sỹ sẽ xuống sau”.
Mẹ vững dạ phần nào, nằm lên giường đẻ cho các cô ấy thực tập, người lấy máu, kẻ đo huyết áp, đo nhịp tim của con, rồi lấy mẫu nước tiểu. Mãi bà bác sỹ chính cũng xuống, mặt không biểu cảm, bà mang găng tay khám trong cho mẹ, mẹ giật bắn người, co rúm.
Bà lườm: “Không khám nữa nhé!”. Mẹ đang nhắm nghiền mắt chịu đau thì thấy giọng bác sỹ sửng sốt: “Vừa vào à, mở tám phân rồi, mở hết thì đẻ nhé!”. Rồi bà bỏ ra ngoài.
Rốt cuộc cơn đau thấu trời cũng đến. Mẹ rối rít giục cô bé kia gọi bác sỹ. “Để em khám xem đã mở đủ mười phân chưa”. Mẹ thở phì phì, cô bé làm rất nhẹ nhàng, chả đau chút nào rồi thông báo đã mở đủ: “Chị yên tâm, tử cung và thai đang rất thuận lợi cho việc sinh”.
Nghe cô ấy động viên mẹ thấy sao mà dễ dàng thế, không như lúc bà đỡ đe nẹt rồi câu “Chết, chết” ở mồm làm mẹ bấn loạn. “Mày làm nghề gì mà chả biết rặn đẻ thế, kiểu này con chết ngạt mất thôi, tao đến chết oan vì mẹ con mày, nốt lần này mà không được nữa là đi Hà Nội mà đẻ đấy không thì chết. Nào, hướng dẫn nó cách thở rặn đẻ đi”.
Những cơn đau đẻ thật là đáng sợ. Ảnh minh họa
Cô bé thực tập tiến sát bên mẹ, rất nhẹ nhàng khiến mẹ an lòng hơn. “Chị phải hít một hơi dài rồi dồn xuống dưới, đừng thở ra bằng miệng nhé…”. Mẹ thở dài đánh thượt, ngẩng cổ hít một hơi sâu thật là sâu rồi nhắm mắt rặn, lấy hết sức bình sinh, rặn ba hơi liền… cho đến lúc mọi người reo lên và bà đỡ hô: “Được rồi, tốt lắm!”. Họ kéo con ra khỏi bụng mẹ, nhẹ bẫng.
Bố là người đầu tiên đón tay con, rồi bà ngoại ngồi ôm, ủ ấm cho con… Tim mẹ, hạnh phúc trào dâng. Và cô bé thực tập chính là người mang lại cho mẹ cảm giác bình an hơn cả: “Trộm mụ bé khoẻ, chị nghỉ đi để lấy sữa cho con bú nhé!”. Cô còn lấy bông nhét vào tai giúp mẹ.
Lúc bố cho mẹ ăn, mẹ thắc mắc: “Em thấy mình đẻ cũng dễ, mất có hai giờ từ lúc vào viện, chả kêu một tiếng nào vì sợ hao sức, sao bà đỡ cứ mắng em xơi xơi?”. Bố cười: “Họ phải làm thế thì mới ra vẻ là khó khăn để mình còn cố gắng và biết điều mà “cảm ơn” bác sỹ hậu hĩnh một tí”.
– “Anh đi cảm ơn bác sỹ chưa?”
– “Xong cả rồi, bà ấy gọi anh lại mà”.
– “Còn mấy cô bé thực tập, em cũng biết ơn họ lắm đấy!”.
– “Hết ca họ về hết nên anh không gặp. Tiếc quá!”
Theo Dân Trí