Dinh dưỡng cho bà bầu đa thai là vấn đề các mẹ mang thai đôi, ba (hay nhiều hơn) rất nên lưu ý tìm hiểu. Chúng ta thường lầm tưởng mang thai bao nhiêu em bé thì lượng dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể phải tương ứng bấy nhiêu. Và đôi khi quan niệm này khiến cho mẹ bầu – với không chỉ một em bé trong bụng – thu nạp quá nhiều calories dẫn đến tăng cân không cần thiết.
Đối với vấn đề dinh dưỡng cho bà bầu đa thai, lầm tưởng hoặc quan niệm cần nạp dinh dưỡng tương đương với số em bé đang mang trong bụng là không phù hợp. Vì, việc này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ trong thai kỳ cũng như lúc sinh nở. Bởi khi mang đa thai, những nguy cơ sức khỏe mẹ mang đa thai có thể gặp hay nói một cách đơn giản, rủi ro mẹ gặp phải tăng lên gấp nhiều lần so với mẹ mang đơn thai. Vậy dinh dưỡng cho thai kỳ “đông” thành viên như thế nào là hợp lý. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
1. Hướng dẫn dinh dưỡng chung cho bà bầu đa thai
Khi bạn mang đa thai không có nghĩa là bạn phải ăn uống lượng thực phẩm chứa calories tương ứng với bằng ấy em bé. Trên thực tế, bạn chỉ cần tăng thêm:
- Khoảng 200 Kcal/ ngày (hoặc hơn) vào tam cá nguyệt thứ nhất
- Khoảng 400 Kcal/ ngày (hoặc hơn) vào tam cá nguyệt thứ hai và
- Khoảng 600 Kcal/ ngày (hoặc hơn) vào tam cá nguyệt cuối cùng
Dưới đây là một số hướng dẫn dinh dưỡng chung cho bà bầu đa thai, mẹ có thể tham khảo nhé.
Thực đơn ăn uống lành mạnh tiêu biểu cho mẹ bầu mang đa thai có thể gồm những loại thực phẩm với số lượng như sau:
- Các loại hạt: 1 khẩu phần/ ngày (1 khẩu phần tương đương với một nắm tay đầy)
- Chất béo từ dầu hoặc bơ: 1-2 muỗng canh/ ngày
- Ngũ cốc: 6 (hoặc hơn) khẩu phần/ ngày (1 khẩu phần tương đương với 1 lát bánh mì, hoặc ½ chén ngũ cốc, hoặc 1 chén cơm hay mì ống, hoặc 1 bánh muffin, hoặc 2 cái bánh ngũ cốc)
- Sữa và chế phẩm sữa: 3-5 khẩu phần/ ngày (1 khẩu phần tương đương với 200 ml hay 1 ly sữa, hoặc 100 ml sữa tăng cường calcium, hoặc 170ml sữa đậu nành bổ sung calcium, hoặc 30 g phô mai cứng)
- Các loại thịt: 3 (hoặc hơn) khẩu phần/ ngày (1 khẩu phần tương đương với 150 g thịt nạc/ thịt gà, hoặc 200 g cá ngừ/ cá hồi – tiêu thụ tối đa 2 lần 1 tuần, hoặc 2 quả trứng, hoặc 1 chén hạt đậu đã nấu chín)
- Trái cây và rau củ: 6 (hoặc hơn) khẩu phần/ ngày (1 khẩu phần tương đương với ½ chén rau củ nấu chín và 1 miếng trái cây). Bạn nên bao gồm trái cây họ cam chanh hoặc 1 ly nước cam và rau lá xanh đậm trong khẩu phần rau củ hàng ngày
Bạn lưu ý mức calories nạp vào cơ thể có thể ít hoặc nhiều hơn lượng tham khảo trên. Nó phụ thuộc vào cân nặng của bạn trước khi mang thai, cũng như mức độ hoạt động hàng ngày của bạn.
2. Vấn đề tăng cân đối với mẹ bầu mang đa thai
Dinh dưỡng cho bà bầu đa thai là vấn đề quan trọng cần lưu ý vì nó ảnh hưởng đến sự tăng cân của mẹ trong thai kỳ.
Lượng cân nặng tăng lên phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể bạn trước khi mang thai.
Nếu bạn có chỉ số BMI bình thường (18.5-25) trước khi mang thai thì bạn được khuyên nên tăng khoảng:
- 16 – 22 kg nếu mang thai đôi
- 23 – 27 kg nếu mang thai ba
Hiện tại chúng ta vẫn chưa có đủ dữ liệu về việc nên tăng bao nhiêu kg đối với thai kỳ nhiều hơn 3 em bé. Nếu bạn rơi vào trường hợp này, hãy trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn dựa vào tình trạng sức khỏe cụ thể của bạn.
Ngoài tổng trọng lượng, bạn cũng cần lưu ý lộ trình tăng cân khi mang bầu đa thai, đó là bạn tăng khoảng:
- 2 – 3 kg trong tam cá nguyệt đầu tiên
- 0.75 – 1 kg/ tuần trong 2 tam cá nguyệt còn lại
Trên đây là mức khuyến cáo chung về tăng cân dành cho mẹ bầu mang đa thai. Tuy nhiên có những ý kiến khác nhau đề xuất việc tăng ít hơn hoặc nhiều hơn mức này. Ngoài ra thai kỳ của mỗi phụ nữ phát triển trên nền tảng sức khỏe và cân nặng khác nhau. Chính vì vậy, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ tại các buổi hẹn khám thai của mình để được tư vấn cũng như hướng dẫn cụ thể và phù hợp.
3. Vấn đề bổ sung các loại vitamin và khoáng chất
Khi mẹ mang đa thai, nhu cầu về vitamin và khoáng chất trong thai kỳ cũng tăng lên. Trong đó đặc biệt cần kể đến calcium và sắt.
Đối với chế độ ăn uống bao gồm đầy đủ các nhóm thực phẩm cần thiết với lượng được gợi ý như trên, bạn hầu như có thể được cung cấp đủ dưỡng chất mỗi ngày.
Riêng đối với calcium và sắt, do thực phẩm chứa hai loại khoáng chất này có thể không dễ tiêu thụ với mẹ bầu. Do vậy, bác sĩ thường chỉ định bổ sung thêm bằng các viên uống calcium hoặc sắt trong suốt thai kỳ. Bạn nên thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ về vấn đề này. Nếu bạn dự định dùng các loại vitamin tổng hợp cho bà bầu , bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
4. Thực đơn một số món ăn nhẹ cho mẹ bầu đa thai
Vì lượng calories bạn cần khi mang đa thai cao hơn phụ nữ mang thai bình thường nên bạn có thể cần “trang bị” cho mình một số món ăn nhẹ giàu dinh dưỡng. Dưới đây là những gợi ý dành cho bạn:
4.1. Thực đơn ăn nhẹ số 1 (324 calories)
- 1 quả trứng luộc
- 1 chén yến mạch nấu chín
- 1/4 chén việt quất (để phủ lên yến mạch)
- 1 ly sữa tách béo
4.2. Thực đơn ăn nhẹ số 2 (267 calories)
- 5 cái bánh quy làm từ ngũ cốc nguyên cám
- 1 muỗng canh bơ đậu phộng (dùng để trét một lớp mỏng lên bánh quy)
- 1 thanh phô mai làm từ sữa tách béo
4.3. Thực đơn ăn nhẹ số 3 (264 calories)
- 1/2 chén hạt đậu tươi luộc
- 1 chén cà chua bi
- 4 thanh cà rốt
- 1/4 chén nước sốt chấm
4.4. Thực đơn ăn nhẹ số 4 (305 calories)
- 1 quả táo lớn
- 14 hạt hạnh nhân
- 1/2 chén phô mai cottage ít béo
Dinh dưỡng cho bà bầu đa thai cũng như các vấn đề khác liên quan đến sức khỏe đều rất quan trọng. Bạn cần luôn theo dõi chúng thật cẩn thận để điều chỉnh ngay chế độ ăn hoặc tốc độ tăng cân nếu cần. Việc khám thai định kì cũng cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Vì thai kỳ đa thai chứa đựng rủi ro rất cao. Đó là lý do bạn phải thông báo cho bác sĩ bất cứ thay đổi nào của cơ thể để họ đưa ra những hướng dẫn và chỉ định y tế khi cần thiết.
Theo Health Info & CDC
Lily Nguyễn lược dịch