Dạy trẻ kiếm tiền là chủ đề khá thú vị mà có lẽ nhiều bậc cha mẹ vẫn còn tranh cãi có nên thực hiện hay không. Trẻ nhỏ ở một số khu vực, đặc biệt là các nước Châu Á, thường được nuôi dạy theo kiểu phụ thuộc nhiều vào bố mẹ. Và trong đó, lĩnh vực tiền bạc không thường xuyên được đề cập đến với trẻ. Hoặc nếu trẻ được phép biết về tiền, thì đó cũng chỉ là sự nhận biết sơ bộ nhất. Vậy các chuyên gia có ý kiến gì về vấn đề này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
1. Dạy trẻ kiếm tiền có quan trọng không
Có lẽ khi được hỏi dạy trẻ kiếm tiền có quan trọng không, các bậc phụ huynh sẽ không ngần ngại trả lời nó sẽ không quan trọng và cần kíp bằng các bài học khác. Cùng lắm, nhiều phụ huynh sẽ cân nhắc việc dạy trẻ dùng tiền mà thôi. Các bài học khác có thể kể đến như các bài học về văn hóa, thể dục, năng khiếu, kỹ năng,…luôn quan trọng hơn, được ưu tiên để dạy trẻ hơn.
Khi bạn nghĩ rằng việc dạy trẻ kiếm tiền nhằm giúp trẻ rèn luyện khả năng làm ra tiền càng sớm càng tốt. Điều này không sai, nhưng nó chỉ đúng ở một khía cạnh nhỏ. Vì, mục đích chính khi chúng ta dạy trẻ kiếm tiền đó là giúp trẻ nhận ra được giá trị của lao động. Bên cạnh đó, đây sẽ là bài học về việc lên kế hoạch, sắp xếp và thực hiện chúng hiệu quả. Cũng như xây dựng khả năng giao tiếp và tạo lập các mối quan hệ xã hội. Tất cả đều là những kỹ năng cực kì cần thiết cho trẻ khi trưởng thành.
Vì vậy, khi suy xét kĩ càng về vấn đề này, chúng ta sẽ thấy nó quan trọng không kém bất cứ bài học cần thiết nào khác, trong quá trình dạy dỗ trẻ.
2. Trước khi dạy trẻ kiếm tiền, hãy dạy con ý nghĩa của tiền bạc
Trước khi định dạy trẻ kiếm tiền, bạn hãy dạy con ý nghĩa của tiền bạc trước, sau đó là các vấn đền liên quan. Có như vậy thì trẻ mới hiểu được từ gốc và chấp nhận những gì bạn hướng dẫn.
2.1. Dạy trẻ nguồn gốc của đồng tiền
“Tiền không mọc ra từ trên cây”. Đây có lẽ là điều đầu tiên bạn nên dạy trẻ. Nhiều bạn nhỏ mặc định tiền nằm trong ví của ba mẹ, trong cây ATM hay trong ngân hàng. Nếu không giúp trẻ hiểu rõ nguồn gốc của đồng tiền, sau này trẻ sẽ không biết coi trọng chúng.
Trẻ nên được biết rằng khi chúng ta lao động, chúng ta được trả tiền và khi không làm việc, ta sẽ không nhận được gì cả.
Chìa khóa ở đây là liên tục chứng minh cho trẻ thấy và làm sáng tỏ mối quan hệ giữa lao động và tiền bạc.
2.2. Hướng dẫn trẻ nguyên tắc cho đi, tiết kiệm và chi tiêu
Cho đi là một trong những bài học quan trọng nhất liên quan đến tiền bạc. Vì khi biết cách cho đi, trẻ sẽ cảm nhận được tác động của việc giúp đỡ người khác ngay từ khi còn nhỏ. Đó là bài học vô giá.
Đối với tiết kiệm và chi tiêu, bạn hãy khuyến khích trẻ dành một phần tiền cho hai khoản mục này mỗi khi nhận được tiền tiêu vặt (hoặc tự kiếm được tiền).
Khi dạy trẻ dùng tiền , bạn đừng quên nhắc trẻ rằng một khi trẻ tiêu tiền vào việc gì đó, nghĩa là số tiền đó sẽ biến mất và không trở lại. Trẻ chắc chắn sẽ phạm sai lầm, nhưng đó là bài học và kinh nghiệm trẻ sẽ tự rút ra được. Và việc trẻ mắc lỗi về chi tiêu dưới sự theo dõi của bạn sẽ tốt hơn nhiều.
2.3. Bạn hãy sắm cho trẻ 3 chú heo đất tương ứng với 3 khoản mục trên
Với 3 chú heo đất (thay vì 1) có dán nhãn cho đi, tiết kiệm và chi tiêu, trẻ sẽ học được cách sắp xếp tiền của mình.
Mỗi khi trẻ nhận được một khoản tiền bất kì, hãy khuyến khích con phân chia số tiền vào 3 “tài khoản”. Bạn hãy trò chuyện với trẻ về việc trẻ phân chia tiền như thế nào và sẽ làm gì với chúng. Cũng như trẻ sẽ xử lý ra sao nếu có một tình huống quan trọng phát sinh.
Bài tập này không những hữu ích vì khiến trẻ tự tin hơn về các vấn đề liên quan đến tiền bạc. Nó còn là cơ hội để bạn trao đổi với trẻ về cách quản lý tiền.
2.4. Cho trẻ tham gia vào việc bàn bạc vấn đề tài chính của gia đình
Bạn hãy cho trẻ tham gia vào những cuộc thảo luận về tài chính gia đình. Chúng có thể diễn ra trước, trong hoặc sau bữa ăn. Vì đây là khoảng thời gian mọi người thường tập trung đông đủ nhất.
Độ tuổi của trẻ không quan trọng. Điều cốt yếu là bạn trò chuyện về tiền bạc một cách thoải mái, không áp lực để trẻ có thể quen dần vấn đề này. Từ đó con sẽ không bị bỡ ngỡ khi tiếp thu các bài học về tiền bạc.
2.5. Bạn có thể cân nhắc tặng tiền mặt vào dịp sinh nhật thay vì quà
Tặng tiền mặt cho trẻ nghe có vẻ quá thực dụng và thiếu tình cảm. Nhưng nếu bạn thực hiện khéo léo, đây sẽ là bài học tốt cho trẻ.
Thông thường, vào những dịp lễ tết khi trẻ được người khác tặng quà, chúng sẽ đưa ra một danh sách khá dài những món mình mong muốn được nhận.
Với việc được tặng một khoản tiền nhỏ, trẻ sẽ hiểu được các món quà tiêu tốn tiền bạc như thế nào. Như vậy chúng sẽ học được cách trân trọng tiền bạc cũng như quà cáp hơn.
Việc này cũng giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều thời gian đi mua sắm.
Điều quan trọng là bạn áp dụng hình thức này một cách khéo léo và đừng khiến trẻ nghĩ rằng đây là thông lệ.
2.6. Dạy trẻ tiền bạc không chỉ để mua sắm đồ chơi và nên chi tiêu hợp lý
Phần lớn trẻ nhỏ thích mua cho mình những món đồ chơi khi được tự quyết định. Khi có một khoản tiền, trẻ sẽ chưa biết cân nhắc về các khoản cần chi, hay chi bao nhiêu. Vì thế việc một đứa trẻ dùng toàn bộ khoản tiền mình có để mua một món đồ chơi mới và hiện đại không có gì là khó hiểu.
Tuy nhiên, nếu lần khác bạn đưa trẻ đến cửa hàng đồ chơi, chúng sẽ tiếp tục muốn xin thêm tiền để mua.
Bạn đừng vội bực mình, khó chịu và la mắng trẻ ngay. Hãy tận dụng cơ hội này để dạy trẻ bài học về cách chi tiêu cũng như cách kiềm chế, kiểm soát những nhu cầu không cần thiết của bản thân.
2.7. Dạy trẻ đầu tư khi con đã nắm được những bài học cơ bản về tiền bạc
Đầu tư ở độ tuổi nhỏ không phải điều dễ thực hiện. Chúng thậm chí là bài học khó đối với cả người lớn. Vì điều quan trọng là việc đầu tư sẽ đem lại hiệu quả ở mức độ nào đó.
Do vậy, bạn hãy dạy trẻ những hình thức đầu tư phù hợp với hoàn cảnh của gia đình cũng như lĩnh vực làm việc của bạn. Như vậy chúng sẽ dễ thực hiện và đem lại hiệu quả hơn.
3. Dạy trẻ kiếm tiền như thế nào
Sau khi trẻ đã nắm được những kiến thức cơ bản về tiền bạc, bạn có thể dạy con một số cách kiếm tiền đơn giản. Ví dụ như:
3.1. Hướng dẫn và giúp đỡ trẻ lập một quầy bán bánh hoặc nước uống đơn giản
Bạn có thể giúp trẻ lập một quầy bán bánh hoặc nước uống đơn giản ở khu phố vào những ngày nghỉ. Trẻ có thể tự làm bánh, pha nước uống, hoặc chế biến những món ăn cầm tay đơn giản. Việc này sẽ giúp trẻ học được quá trình tạo ra một sản phẩm có thể bán được gồm nhiều công đoạn. Khi bán được một sản phẩm và nhận được tiền, trẻ sẽ thấy trân trọng công sức lao động của mình.
3.2. Giúp trẻ chào bán “dịch vụ” với những người hàng xóm
Các dịch vụ này có thể là những công việc đơn giản như trông trẻ, làm việc nhà, nhổ cỏ vườn hay rửa xe. Bạn có thể giúp trẻ nâng cao chất lượng dịch vụ bằng cách hướng dẫn các kỹ thuật giúp trẻ thực hiện dịch vụ của mình một cách tốt hơn.
Các tờ rơi với danh sách công việc và giá cả đi kèm cũng sẽ giúp ích cho “công việc của trẻ”.
3.3. Bán đồ cũ
Trẻ em thường có nhiều món đồ chơi hoặc đồ cũ có thể bán được. Bạn hãy giúp trẻ lập một buổi chợ bán đồ cũ. Hãy để trẻ tự chọn món đồ mình muốn bán cũng như tự giữ số tiền thu được.
3.4. Giúp trẻ bán các món đồ trong những dịp lễ hội
Bạn có thể hướng dẫn và giúp trẻ làm các món đồ thủ công để bán trong các dịp lễ hội. Ví dụ như: đồ trang trí halloween, giáng sinh, trứng phục sinh, sô cô la cho dịp lễ tình nhân, thiệp sinh nhật, bánh ngọt cho dịp lễ hội ở trường,…
3.5. Khuyến khích trẻ thu thập đồ dùng tái chế để bán
Bạn có thể hướng dẫn và khuyến khích trẻ thu thập các loại đồ dùng trong nhà có thể tái chế như đồ nhựa, giấy báo cũ, giấy vụn,…Sau đó đem chúng đến các cơ sở thu mua những món đồ này để bán lại.
3.6. Dịch vụ chăm sóc thú nuôi
Chăm sóc thú nuôi là một dịch vụ không những giúp trẻ kiếm tiền mà còn dạy con trách nhiệm đối với việc chăm sóc động vật. Bạn có thể giúp trẻ nhận dịch vụ chăm sóc thú nuôi khi hàng xóm, người thân, người quen đi vắng hay đi du lịch. Ngoài ra, tưới cây cũng là một dịch vụ nhỏ mà trẻ có thể thực hiện.
Dạy trẻ kiếm tiền là một việc rất nên làm từ khi trẻ còn nhỏ. Đây sẽ là những bài học vô cùng hữu ích cho trẻ khi trưởng thành. Quá trình theo dõi trẻ thực hiện cũng giúp chúng ta tự xem xét lại khả năng quản lý tài chính của mình. Từ đó có thể ngày càng nâng cao kĩ năng quan trọng này cùng với trẻ.
Theo NBC News & The Balance Everyday
Lily Nguyễn lược dịch