Để chuẩn bị đồ đi sinh mổ đầy đủ cho mẹ và bé thì mẹ nên thực hiện sớm để tránh cập rập. Bên cạnh đó, thời gian ở lại bệnh viện có thể kéo dài để đảm bảo vết mổ có đủ thời gian phục hồi, nên số lượng vật dụng mẹ cần chuẩn bị phải thực sự hợp lý. Vậy đồ đạc cần thiết chúng ta cần chuẩn bị – mẹ nên lựa chọn những đồ dùng gì? Mẹ hãy cùng lên danh sách ngay dưới đây nhé.
1. Chuẩn bị đồ đi sinh mổ cho mẹ
Vì thời gian ở lại bệnh viện của các mẹ bầu sinh mổ sẽ lâu hơn, khoảng 5 ngày so với các mẹ sinh thường, vì thế, việc chuẩn bị đồ đi sinh mổ sẽ có phần nhiều hơn để giúp mẹ đủ sử dụng cho những ngày nằm viện.
Trong đó, mẹ cần mang những đồ dùng sau đây:
1.1. Giấy tờ cần thiết
Mẹ cần mang đầy đủ các loại hồ sơ, sổ khám thai, kết quả siêu âm, xét nghiệm kể từ những ngày đầu đi khám thai và sắp xếp theo thứ tự từng tuần để bác sĩ dễ dàng theo dõi. Mẹ cần lưu ý, trước khi có kế hoạch đi sinh ở bệnh biện nào hãy khám thai tại bệnh viện đó ít nhất 4 – 8 tuần gần nhất để các bác sĩ theo dõi tình hình và làm hồ sơ đi sinh. Và qua đó, hãy ghi nhớ số hồ sơ sinh hoặc mã số bệnh nhân để nhân viên y tế dễ dàng tra cứu khi mẹ nhập viện cấp cứu khi sinh.
Các giấy tờ tùy thân khác mẹ cần mang theo bao gồm:
- Bản gốc và bản photo chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, bảo hiểm y tế, sổ hộ khẩu (mỗi loại 2 bản).
- Chuẩn bị tiền viện phí tạm ứng và chi tiêu khi nằm viện, cùng dự phòng các khoản phát sinh khác.
Một lưu ý nhỏ cho mẹ là các loại giấy tờ quan trọng, mẹ nên cất riêng một chỗ trong nhà, để nơi dễ tìm dễ thấy, ít nhất có hơn 1 người ngoài mẹ biết chỗ cất giữ này. Còn khi đi viện khám định kỳ, hoặc đến lúc chuẩn bị sinh, mẹ hãy dặn người nhà cầm hộ, nhằm tránh rơi mất khi đi lại trong bệnh viện nhé.
1.2. Đồ dùng cá nhân
- Thông thường đi sinh mẹ sẽ mặc đồ bệnh viện, tuy nhiên mẹ nên mang 1 vài bộ váy hoặc áo có cúc để mặc và thay dễ dàng hơn. Mách nhỏ cho mẹ rằng mặc váy dài sẽ thoải mái và tiện hơn mặc quần nhé, kể cả là quần rộng.
- Mang thêm áo khoác phòng khi lạnh, mũ đội đầu, khăn quàng loại mỏng và tất chân.
- Các loại đồ dùng cá nhân như: Bàn chải, kem đánh răng, lược, khăn mặt, khăn tắm, quần lót (nên mang quần lót giấy dùng 1 lần sẽ tiện và vệ sinh hơn), 3 chiếc băng vệ sinh thường dùng khi chuyển dạ, 5 chiếc bỉm dùng cho 2 ngày đầu sau khi sinh, 1 gói băng vệ sinh dày để dùng những ngày sau đó, dung dịch vệ sinh phụ nữ, tấm lót.
- Một vài miếng lót thấm sữa phòng khi sữa chảy nhiều, hay bị rỉ sữa.
- Thông thường sau khi sinh mổ sữa mẹ vẫn chưa về ngay cho nên các mẹ cần chuẩn bị thêm máy hút sữa phòng trường hợp bị tắc sữa nhé.
- Mẹ nên mang theo đồ ăn nhẹ như thanh granola, mận khô, bánh mì sandwich hoặc bất cứ thứ gì có chất xơ để đề phòng khi đói. Trên thực tế, mẹ hãy ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo nhất có thể trong khoảng ba hoặc bốn ngày trước khi sinh mổ.
- Mang theo thiết bị phát nhạc, sách hoặc bất cứ thứ gì giúp mẹ có thể thư giãn nhằm tránh căng thẳng trước hoặc sau khi sinh.
2. Chuẩn bị đồ dùng cho bé
Đồ dùng cho bé khi sinh thường hay sinh mổ cũng không có nhiều khác biệt, nhưng mẹ cần hoàn tất việc chuẩn bị này trước thời điểm dự sinh ít nhất là 2 tuần. Việc làm này giúp mẹ có đủ thời gian để chuẩn bị chu đáo hơn và phòng trường hợp chẳng may mẹ có dấu hiệu chuyển dạ sớm.
Mẹ cần chuẩn bị:
- 3 bộ quần áo sơ sinh loại có cúc: Thường bé sẽ sử dụng đồ của bệnh viện nhưng mẹ cũng nên chuẩn bị cho bé khi quần áo của bệnh viện bị bẩn mà họ chưa kịp tắm để thay cho con và mặc cho bé khi ra viện. Ngoài ra, một số trường hợp đặc biệt cả mẹ và bé phải ở lại bệnh viện lâu hơn dự kiến do mẹ sinh mổ, nên có thể mang thêm quần áo cho con.
- Mẹ nên mang theo 2 chăn dù bệnh viện khá ấm phòng trường hợp mẹ rời khỏi giường thì bé sẽ bị lạnh.
- Trẻ mới sinh sẽ rất hay tè nên mẹ cần chuẩn bị khoảng 7 chiếc tã giấy loại dùng cho trẻ sơ sinh, tã vải loại dán hoặc tã chéo.
- 3 bộ băng rốn.
- 5 bộ mũ, bao tay chân: Mẹ nên lộn trái bao tay chân, cắt thật sạch chỉ thừa để những sợ chỉ này không quấn và siết chặt vào ngón tay và chân bé dẫn đến hoại tử.
- 20 chiếc khăn sữa dùng để lau những vết bẩn, dơ trên người bé và lau ngực cho mẹ.
- 1 hộp sữa bột dùng cho trẻ sơ sinh: Phòng khi mẹ chưa có sữa hoặc mẹ sinh mổ chưa thể cho bé bú trực tiếp.
- Một số vật dụng cần thiết khác như: Chậu nhỏ, ly và muỗng inox dành để pha sữa, rơ lưỡi, nước muối sinh lý, tấm lót chống thấm, kem chống hăm.
Mẹ cần lưu ý rằng những đồ dùng cho bé cần được giặt sạch và kiểm tra thật cẩn thận trước khi sử dụng để bảo vệ an toàn cho bé. Và mẹ cũng đừng lo lắng quá nhiều về những thứ cần mang theo, vì mẹ luôn có thể nhờ chồng hoặc gia đình mang đến nếu “lỡ” quên hoặc phát sinh thêm thứ gì đó.
3. Một số lời khuyên dành cho mẹ bầu sinh mổ
Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho lần vượt cạn sắp tới của mình, mẹ nên nắm rõ những lưu ý quan trọng dưới đây:
- Trước khi lên bàn mổ khoảng 8 tiếng, mẹ tuyệt đối không nên ăn gì kể cả thức ăn đặc hay loãng vì khi gây mê, nếu dạ dày chứa thức ăn có thể gây hiện tượng trào ngược dạ dày, khả năng gây đột tử cao do nghẽn đường thở rất nguy hiểm. Vậy nên, mẹ bầu cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề ăn uống trước sinh.
- Những ngày trước khi diễn ra phẫu thuật cũng chỉ nên ăn các loại thức ăn dễ tiêu, không dùng các loại thực phầm nhiều chất xơ, chất béo, hay đồ ngọt, các loại hoa quả như cam, lê,… và dùng thuốc hoặc nước theo chỉ định của bác sĩ.
- Mẹ và gia đình nên tham khảo các dịch vụ có sẵn của bệnh viện để tránh chuẩn bị đồ đi sinh mổ không cần thiết.
- Việc vệ sinh lông vùng kín mẹ sẽ được bệnh viện thực hiện trước khi lên bàn mổ, tuy nhiên mẹ hoàn toàn có thể trao đổi với hộ lí hoặc bác sĩ nếu như có những yêu cầu riêng hoặc tự cá nhân thực hiện.
- Trang điểm, sơn móng tay hay đồ trang sức hoàn toàn không cần thiết khi mẹ đi sinh. Và để tránh “rủi ro” mẹ bầu nên để chúng ở nhà trước khi đến bệnh viện nhé!
4. Những lưu ý sau khi sinh mổ
Quá trình sinh mổ thông thường sẽ kéo dài khoảng 20 phút và mẹ sẽ không có cảm giác đau đớn gì trong suốt quá trình thực hiện. Thay vào đó, sau khi ca mổ được thực hiện thành công, mẹ cần lưu ý những vấn đề sau đây:
- Ngay sau khi sinh xong, có thể mẹ sẽ có cảm giác buồn nôn, ngứa toàn thân do quá trình gây tê hoặc vết mổ bị ảnh hưởng. Lúc này, mẹ nên hỏi ý kiến bác sỹ để dùng các loại thuốc phù hợp, an toàn cho sức khỏe mà không ảnh hưởng chất lượng sữa.
- Mẹ đừng quá chú ý đến các cơn đau mà hãy suy nghĩ thật tích cực để tránh bị trầm cảm sau sinh.
- 12 tiếng sau khi mổ, mẹ nên ăn uống bình thường, nếu đầy hơi thì có thể di chuyển nhẹ nhàng và có người đỡ lúc di chuyển là tốt nhất.
- Việc di chuyển sau khi sinh mổ được 24 tiếng sẽ giúp mẹ tránh bị máu đông, dính ruột và táo bón. Tuy nhiên, mẹ không nên tự ý xuống giường vì tác dụng của thuốc tê có thể khiến mẹ bị chóng mặt, mất thăng bằng mà ngã rất nguy hiểm và tuyệt đối tránh gập người phía trước, mẹ nhé.
- Bệnh viện chỉ tiêm thuốc giảm đau tới một thời gian nhất định sẽ ngừng, vì thế mẹ bắt buộc phải chịu một vài đau đớn tự nhiên để tử cung co bóp, đẩy hoàn toàn dịch ra ngoài. Trong trường hợp không thể chịu được, mẹ có thể tham khảo thêm thuốc đặt nhưng để tử cung co bóp tránh bị sót dịch vẫn là việc làm tốt nhất.
Để yên tâm, mẹ nên chuẩn bị đồ đi sinh mổ thật đầy đủ và chuẩn bị sớm. Sau đó hãy kiểm tra lại để có thể bổ sung nếu còn sót. Mẹ hãy hãy trang bị cho mình nhiều kiến thức về giai đoạn sinh con, cũng như cách để giữ vững tinh thần khi cơn đau chuyển dạ bắt đầu. Muốn tìm hiểu thêm về quá sinh chuẩn bị sinh, hay chuẩn bị các vật dụng cần thiết khác cho cả hai mẹ con, hoặc kinh nghiệm chăm sóc bé sơ sinh, mẹ hãy thường xuyên theo dõi Chuyên mục Sinh con của nhé. Chúc mẹ sẽ có một cuộc vượt cạn thật thành công.
Hiền Anh tổng hợp