Sau 10 năm gian nan để có và giữ được con, giờ đây trên gương mặt chị Hà lúc nào cũng nở nụ cười tươi dù phía trước còn lắm thách thức.
Đúng 4 lần đổi hồ sơ, và hơn 4 tháng nằm viện, chị Bồ Thị Thu Hà (Na Lu, Xuân Lương, Yên Thế, Bắc Giang) hiện phải truyền thuốc liên tục để ngăn những cơn co tử cung dọa sinh non khi đang mang song thai. Chị đã phải nhờ đến y học bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm và có lúc phải điều trị phối hợp 2 – 3 loại thuốc để chị có cơ hội mang thai như hiện tại. Nhìn hai tay chị cắm ống truyền ngày đêm mới hiểu nỗi khó khăn của chị trong hành trình tìm kiếm con.
Chị Hà ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Hành trình ấy đến nay cũng đã gần 10 năm với bao gian nan. Vậy nên, giờ đây khi đã có được niềm mong mỏi tận cùng ấy, chị lúc nào cũng nở nụ cười tươi chuyện trò với mọi người.
7 năm dành dụm cho 1 lần thụ tinh trong ống nghiệm
Ai cũng đùa nhau rằng số người trong phòng phải gấp đôi số thực vì phòng bệnh toàn các bà bầu, lại thêm cái nóng đến nực người. Liên tục cầm chiếc khăn ướt chậm mồ hôi rịn trên trán, chị Hà kể lại hành trình đầy gian nan của mình:
“Sau cưới, dù hai vợ chồng rất mong nhưng mãi chẳng thấy dấu hiệu mang thai gì. Khi ấy hai vợ chồng rất sốt ruột đi khám nhưng nhìn lại tiền đi về còn không đủ thì lấy đâu ra. Vậy là vợ chồng bảo nhau tích góp dần. Khi đi khám được thì mới biết cả mình và anh đều gặp vấn đề. Bác sĩ cho biết, cả hai vợ chồng đều không thể mang thai một cách tự nhiên được mà phải thụ tinh ống nghiệm. Nghe đến đây, mình buồn và suy sụp nhiều lắm. Nhìn vào hoàn cảnh của hai vợ chồng khi ấy, mình đã nghĩ sẽ chẳng bao giờ có con được. Ở quê mình lúc ấy vốn nghèo lắm. Ông bà 2 bên nội ngoại cũng già cả thành ra không hỗ trợ được gì nhiều. Lắm lúc mình chỉ biết khóc vì bất lực. Nhưng mình không chấp nhận số phận khi vẫn còn cơ hội. Mình bàn với chồng cố gắng làm lụng, dành dụm tiền để có con. Ông xã mình lúc ấy cũng buồn lắm, thế nên mình phải cố nén để động viên anh lạc quan. Hai vợ chồng cứ thế dựa vào nhau cùng cố gắng.”
Mất đến 7 năm vất vả, hai anh chị mới gom đủ tiền để đi viện. Quãng thời gian ấy, với anh chị đằng đẵng như cả thế kỉ. Khi biết tuổi tác càng cao, cơ hội càng ít cả hai càng cố hết sức. Dành dụm mãi cũng được một khoản tạm đủ để điều trị. Chị chia sẻ thêm: “Mình biết nhiều người phải vài lần mới thành công, nên đã chủ động động viên chồng trước rằng nếu lần 1 không được thì ta làm lần 2, lần 3… Nói vậy nhưng thực lòng mình cũng lo lắm, vì tiền bạc đâu có hạn. May mắn thay lần đầu là mình đậu thai ngay. Nhưng chưa hết mừng thì lại bị dọa sinh non do mình hở eo tử cung. Thời đó, mình sống ở quê, không có điều kiện tốt như trên này”
Mất con lần đầu, anh chị vô cùng đau xót nhưng vẫn hi vọng. Hai vợ chồng chị lại tiếp tục thụ tinh trong ống nghiệm lần 2. Trời không phụ lòng người, lần này chị cũng thụ thai được ngay mà còn là song thai nên cả 2 đều vỡ òatrong hạnh phúc. Cũng từ đây bắt đầu những lo lắng vì chị bị dọa sinh non phải nằm viện đến tận lúc sinh. Các cơn gò tử cung kéo đến dày và liên tục hơn.
Vượt qua áp lực chính bản thân
Khi được hỏi cưới lâu mà chưa có bầu, chị có bị áp lực nhiều từ gia đình không, chị vui vẻ nói: “Áp lực từ gia đình thì không, vì rất may là ông bà mình tuy già cả nhưng tâm lý lắm. Lúc nào cũng động viên thôi chứ không giục giã gì cả. Ông bà còn nói rằng cứ từ từ, không đi đâu mà vội. Nhưng không thể tránh khỏi áp lực do chính mình gây ra ấy. Vì bản thân mình là người mong mỏi con nhất mà. Được cái là tính mình rất lạc quan, nên lúc nào cũng vui vẻ thế này. Thậm chí nhiều khi ông xã còn yếu đuối hơn cả vợ nên mình phải động viên rất nhiều đấy!”
Trong thời gian điều trị ở viện, mẹ và chị dâu chị lên chăm sóc. Chồng chị Hà vốn là bộ đội nên không được nghỉ nhiều. Tối nào anh cũng gọi điện hỏi han vợ mọi điều.
Chia sẻ về những khó khăn đặc biệt là khó khăn về kinh tế, chị Hà nói: “Dù đã dự tính và chuẩn bị tài chính trước khi mang thai nhưng bao nhiêu vấn đề thế này cũng không lường trước được. Thời gian nằm viện khá lâu nên chi phí cũng nhiều, lại chưa chuẩn bị được gì cho con.. Những khoản ông bà vay mượn thì chẳng biết khi nào mới trả nổi. Nhiều khi mình cũng tủi vì thương con, và lo lắng nữa. Từ giờ đến lúc sinh còn những hơn hai tháng nữa. Rồi khi sinh bé ra cũng phải tốn kém rất nhiều. Bản thân mình giờ thì chẳng làm gì được. Chỉ trông vào mỗi đồng lương eo hẹp của chồng thôi. Dù sao mình vẫn có các con là nguồn động viên vô cùng lớn rồi. Thêm nữa là ông bà nội lúc nào cũng bảo: “Cứ yên tâm điều trị, tốn kém bao nhiêu mọi người lo được hết”. Biết ông bà chỉ động viên mình thế chứ cũng chẳng còn tiền nữa, nhưng mình thấy nhẹ lòng đi được rất nhiều.”
Chữa vô sinh cần nhất là phải lạc quan
Nói về bệnh nhân Thu Hà, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng khoa Sản bệnh, BV phụ sản Hà Nội cho biết: “Bệnh nhân Hà là một trường hợp song thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, dọa sinh non, tử cung co mạnh và liên tục. Phải kết hợp 2 đến 3 loại thuốc để điều trị, vì chỉ cần dừng truyền thôi là các cơn co lại kéo đến. Dù đã được khâu vòng cổ tử cung nhưng cổ tử cung vẫn mở 2cm.
Đây cũng là 1 trong những bệnh nhân được quan tâm đặc biệt, với tình trạng khá nặng do các cơn co rất mạnh. Thậm chí có những lúc phải truyền cả hai tay để giữ được thai. Trong quá trình điều trị, nhiều khi bác sĩ còn phải nín thở… Tuy nhiên, phải công nhận bệnh nhân này rất kiên trì điều trị, phối hợp với bác sĩ nên tiên lượng tốt. Đến thời điểm này thì đã vượt qua tuần thứ 32 của thai kì, nên nhìn chung tình hình đã ổn định hơn”.
Nhìn người mẹ bé nhỏ lúc nào cũng tươi cười và đầy vẻ quyết tâm, chúng tôi thầm cầu mong cho chị sẽ sớm vượt qua khó khăn để được mẹ tròn con vuông.
Theo eva.vn