Một đứa trẻ quá nhút nhát khiến chúng mất đi cơ hội giao tiếp, học hỏi những điều thú vị từ cuộc sống. Vậy cha mẹ nên làm gì để con có thể tự tin và độc lập hơn khi con trưởng thành?
1. Vì sao trẻ có tính nhút nhát?
Nhút nhát là một trong những tính cách phổ biến ở trẻ dưới 4 tuổi. Một số ý kiến cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do cách giáo dục ở cha mẹ như:
– Cha mẹ thường hay căng thẳng và truyền sự căng thẳng đó sang trẻ khiến trẻ luôn có một nỗi sợ mơ hồ. Trẻ nhỏ rất nhạy cảm, chúng ta thường nghĩ rằng trẻ không cảm nhận được cảm xúc của người lớn, nhưng thật ra, trẻ có thể cảm nhận được và dễ dàng bị ảnh hưởng.
– Cha mẹ chăm con quá mức cũng khiến con nhút nhát, đặc biệt là hiện nay, các ông bố bà mẹ thường chỉ có 1 – 2 con nên chăm con rất kỹ. Và do nhận được sự bao bọc của người lớn nên trẻ không tự tin khi làm việc gì đó nếu không có cha mẹ.
– Một số cha mẹ lại thường xuyên mắng nhiếc, chê bai và tập trung vào những điểm tiêu cực để chì chiết con. Về lâu về dài, trẻ cảm thấy mình là kẻ bỏ đi, không muốn giao du với ai, không tự tin và nhút nhát.
Với những nguyên nhân trên, tính cách nhút nhát được hình thành trong quá trình cha mẹ dạy dỗ. Tuy nhiên, một số trẻ nhút nhát là do tự bản thân trẻ chứ không phải do yếu tố khách quan. Đặc biệt khi trẻ bắt đầu biết nhận thức từ 3 tháng – 3 tuổi. Trẻ cảm thấy thế giới xung quanh quá mới mẻ và lạ lẫm. Chúng có xu hướng gần gũi với những thứ thân quen hơn và cảm thấy căng thẳng khi phải tiếp xúc với người mới, môi trường mới. Đó chính là lý do mà con nhút nhát khi nhà có khách hoặc có bạn mới, tới nơi mới.
Nếu trẻ nhút nhát do tâm lý cha mẹ không cần quá lo lắng. Vì điều này phù hợp với sự phát triển não bộ của trẻ. Trẻ cần có thời gian làm quen và thích nghi với không gian, thời gian, tình huống con người mới. Ngay cả người trưởng thành, muốn quen với môi trường mới, con người mới bạn cũng cần phải có thời gian để tìm hiểu.
2. Khi nào cha mẹ cần lo lắng về tính nhút nhát ở trẻ?
Mặc dù nhút nhát là một trong những đặc tính của trẻ đang lớn và là sự phát triển tạm thời của não bộ trong giai đoạn 18 tháng – 3 tuổi. Tuy nhiên, sau 4 tuổi, trẻ vẫn nhút nhát thì cha mẹ cần phải có phương pháp tích cực để thay đổi trẻ.
Từ 3 – 4 tuổi, nhu cầu vui chơi và tương tác với bạn bè đồng trang lứa của trẻ rất cao. Trẻ thích được chơi cùng mọi người, khám phá những trò chơi thú vị mới và giai đoạn này trẻ sẽ thể hiện tính cách mạnh mẽ nhất.
3. Cách khắc phục tính nhút nhát ở trẻ
– Biểu hiện nhút nhát dưới 3 tuổi là bình thường, do đó để trẻ có thể sẵn sàng làm quen với điều mới, cha mẹ hãy nói trước với những người quen là bé cần thời gian làm quen. Hãy nói mọi người đừng trêu chọc bé ngay, điều nên làm là bế bé bên cạnh, lâu lâu vuốt tóc, mặt để bé có cảm giác thân thiết. Bé sẽ rất nhanh hòa nhập nếu người mới thân thiết với bé.
– Khuyến khích trẻ tham gia hoạt động tập thể để con dạn dĩ hơn. Khi tham gia hoạt động tập thể, mẹ cũng cần khéo léo để con làm quen với bạn mới. Vì với trẻ nhút nhát, con chưa thể ngay lập tức hòa đồng được, con cần có thời gian quan sát và làm quen. Mẹ hãy dẫn dụ con vào cuộc chơi nhẹ nhàng và tránh mọi xung đột giữa con và trẻ khác.
– Khi ở nhà, cha mẹ hạn chế tối đa việc thể hiện sự căng thẳng, mệt mỏi trước mặt trẻ. Hãy tạo ra sự vui vẻ, hạnh phúc để trẻ cảm thấy vui vẻ, yêu đời hơn.
(Tổng hợp)