Cách dạy trẻ khi trẻ ăn vạ có lẽ là điều mà mọi bà mẹ đều muốn tìm hiểu. Vì hầu như trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có giai đoạn thường xuyên ăn vạ bố mẹ, không nhiều thì ít. Chúng ta thường quy cho trẻ “tội” hư vì hành động ăn vạ. Nhưng trên thực tế, bản thân chúng ta cũng khá bối rối vì không hiểu rõ nguồn cơn dẫn đến hành vi được cho là hư này. Hãy cùng tìm hiểu về vấn đề ăn vạ của trẻ để có thể xử lý một cách hiệu quả nhé.
1. Vì sao trẻ lại ăn vạ
Điều đầu tiên chúng ta nên làm để xử lý hành động ăn vạ của trẻ chính là hiểu được chúng. Nhưng chúng ta đã thật sự hiểu chưa? Khi đặt ra câu hỏi này, hẳn đa phần chúng ta đều nghi ngờ phải không nhỉ!
Trên thực tế, việc hiểu được nguyên nhân khiến trẻ ăn vạ không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Có một số tình huống gây ra sự sợ hãi, bối rối, giận dữ, quá khích,…đều có thể dẫn đến hành vi ăn vạ của trẻ. Đây tuy không phải là một cách giao tiếp mang ý nghĩa rõ ràng. Nhưng nó lại khá hiệu quả trong việc khiến cho các bậc cha mẹ phải đáp ứng “yêu sách” của trẻ trong cơn khủng hoảng.
Có thể nói rằng, đối với các cơn ăn vạ của trẻ thì cha mẹ thường ở thế bị động về việc hiểu được nguyên nhân dẫn đến hành vi này.
Bạn có thể tạm hiểu ăn vạ là cách trẻ phản ứng về một tình huống mà trẻ chưa thể dùng cách trưởng thành hơn (như nói chuyện) để:
- Nói lên cảm xúc và suy nghĩ của mình
- Thực hiện điều trẻ được yêu cầu
- Thể hiện điều mình muốn
Thay vì tìm cách chính đáng thì trẻ lại sử dụng các hành vi khóc lóc , la hét, đấm vào tường, dậm chân lên sàn hay thậm chí đánh ba mẹ để đạt được điều mình muốn. Điều này không có nghĩa là trẻ ăn vạ có chủ ý nhưng chủ yếu là hành vi học được. Vì có thể trẻ thấy những hành động đó hiệu quả hơn nên có xu hướng dựa vào chúng.
Vì vậy, mục tiêu đối với việc dạy một đứa trẻ hay ăn vạ là khiến trẻ không còn ỷ lại vào những hành vi trên. Thay vào đó, chúng ta giúp trẻ học được những cách trưởng thành hơn để xử lý một tình huống hay một vấn đề. Ví dụ như thỏa hiệp hay tuân theo kỳ vọng của cha mẹ để nhận được một kết quả tích cực.
2. Cách dạy trẻ khi trẻ ăn vạ sao cho có hiệu quả
Để dạy trẻ khi trẻ ăn vạ một cách hiệu quả, bạn có thể tham khảo các bước sau:
2.1. Đánh giá tình hình
Bước đầu tiên giúp bạn đưa ra phương pháp xử lý thích hợp khi trẻ ăn vạ đó là đánh giá tình hình để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này ở trẻ.
Điều này có nghĩa là bạn xem xét những sự việc xảy ra trước, trong và sau cơn ăn vạ của trẻ. Từ đó bạn liên kết được điều gì có thể dẫn đến việc trẻ ăn vạ.
Đôi khi, việc quan sát và đánh giá này giúp bạn phát hiện ra một vấn đề bất ổn nào đó ở trẻ. Ví dụ như hội chứng ADHD ( hội chứng tăng động giảm chú ý ), rối loạn tâm lý, lo lắng do bị bỏ bê, lạm dụng,…
Khi trẻ bị khủng hoảng ở mức độ vượt quá độ tuổi của mình, trẻ sẽ phải vật lộn để quản lý cảm xúc của bản thân. Nỗ lực đó sẽ bị phá vỡ vào những thời điểm đòi hỏi sự tự giác mà trẻ không có hoặc không thực hiện được. Ví dụ như chuyển từ một điều gì đó trẻ thích sang thứ trẻ không thích. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy rất khó khăn, và ăn vạ để thể hiện sự bất mãn của bản thân là xu hướng tất yếu.
Một phần lớn những đứa trẻ thường xuyên ăn vạ trong những tình huống khá dễ đoán. Ví dụ như khi trẻ phải ngừng chơi để làm bài tập, ngừng chơi để đi ngủ, ngừng làm việc gì đó mà trẻ thích, không được phép mua món đồ gì đó mà trẻ muốn,…
Việc xác định được lý do châm ngòi cho một đợt ăn vạ của trẻ sẽ giúp bạn xử lý chúng dễ dàng hơn.
2.2. Ngăn chặn hành vi có điều kiện của trẻ
Hầu hết các bậc phụ huynh đều khó lòng chịu đựng được việc trẻ ăn vạ ở nơi công cộng. Đây chính là điểm yếu mà trẻ nhắm tới. Chúng ý thức được rằng đây là việc sẽ đem lại điều chúng muốn.
Ngay cả khi chiêu trò này của trẻ chỉ có hiệu quả 5/10 lần áp dụng, thì sự củng cố không liên tục cũng vẫn làm cho hành vi ăn vạ trở thành phản ứng có điều kiện một cách vững chắc. Và trẻ sẽ tiếp tục sử dụng chúng để có được điều mình muốn.
Chính vì vậy, điều quan trọng là bạn phải ngăn chặn những hành vi có điều kiện này ở trẻ. Điều này nhằm tránh hình thành ở trẻ tâm lý “lợi dụng” và các phản ứng có điều kiện như đã nói.
Để thực hiện được việc ngăn chặn này, bạn cần áp dụng tốt bước đánh giá nguyên nhân ở trên. Từ đó đưa ra biện pháp xử lý phù hợp.
Ví dụ như khi trẻ ăn vạ vì phải ngừng chơi để làm bài tập ở nhà, có thể không hẳn vì trẻ ham chơi, mà vì con thấy bài tập đó quá khó hay không thú vị,…Như vậy, mầm mống của cơn ăn vạ có thể đã bắt đầu trước khi bạn yêu cầu con làm bài. Vấn đề lúc này là làm thế nào để con thấy nhiệm vụ làm bài tập của mình không quá khó khăn hay nhàm chán.
Việc dự đoán những yếu tố kích hoạt hành vi ăn vạ của trẻ và sửa đổi chúng để trẻ dễ dàng tham gia vào hoạt động là thực sự quan trọng.
2.3. Xây dựng kỳ vọng về hành vi phù hợp với quá trình phát triển của trẻ
Một mục tiêu khác là bạn cần xem xét liệu những kì vọng của mình về hành vi của trẻ có phù hợp với độ tuổi và sự phát triển của con hay không. Bạn có thể điều chỉnh môi trường để làm cho nó phù hợp với khả năng của trẻ cũng như thúc đẩy sự phát triển của con theo hướng trưởng thành hơn không.
Điều quan trọng đối với cha mẹ là phải hiểu được:
- Tránh cơn ăn vạ của trẻ trước khi chúng bắt đầu không có nghĩa là đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ.
- Giảm khả năng hình thành cơn ăn vạ của trẻ nghĩa là bạn đang giảm cơ hội củng cố phản ứng có điều kiện (theo hướng tiêu cực) của con về sau này.
Khi những đứa trẻ kiểm soát được cảm xúc của mình, chúng sẽ học được cách giải quyết nhu cầu, mong muốn và thất bại của mình một cách trưởng thành hơn.
3. Phản ứng của bạn sẽ quyết định hiệu quả trong cách dạy trẻ khi trẻ ăn vạ
Khi trẻ giận dữ, mất kiểm soát dẫn đến hành vi ăn vạ, thì phản ứng của bạn sẽ ảnh hưởng đến khả năng hành vi này tiếp tục diễn ra hay không.
Điểm mấu chốt khi xử lý tình huống/ cơn tức giận của trẻ rồi ăn vạ này là, bạn phải chống lại cám dỗ chấm dứt hành động ăn vạ của trẻ bằng cách cho trẻ điều chúng muốn. Mục đích của trẻ là thu hút sự chú ý của bạn bằng mọi cách dù tiêu cực (như bạn la mắng hay ra lệnh cho trẻ phải ngừng ăn vạ). Với việc bỏ qua hậu quả của hành vi, trẻ rất dễ đạt được mục đích của mình.
Điều bạn cần làm lúc này là giảm sự chú ý đối với hành vi tiêu cực của trẻ, đồng thời tập trung vào những hành vi bạn muốn khuyến khích.
Bạn lưu ý không nên lý luận với một đứa trẻ đang mang tâm trạng giận dữ, mất kiểm soát. Hãy trò chuyện, đàm phán với trẻ khi con đã bình tĩnh và bạn cũng như vậy. Từ đó, bạn có thể dần dạy trẻ các kỹ thuật để từng bước xử lý một vấn đề. Việc làm này sẽ giúp trẻ dần kiểm soát được bản thân và trưởng thành hơn.
4. Bạn cũng cần làm gương trong việc kiểm soát cơn giận của chính mình
Để giao tiếp và dạy trẻ hiệu quả khi con ăn vạ, bạn cần làm tốt trong việc kiểm soát bản thân. Hãy sử dụng các phương pháp mà bạn thấy có thể giúp bản thân bình tĩnh và thư giãn. Tập hít thở là một trong những phương pháp hiệu quả đối với nhiều người mà bạn có thể áp dụng.
Hãy tập xử lý tốt cảm xúc cũng như các vấn đề tiêu cực để làm gương cho trẻ. Bạn hãy nói những điều tích cực với thái độ tích cực nhất, nhiều nhất có thể. Trẻ sẽ nhìn gương và học tập điều đó từ bạn.
Cách dạy trẻ khi trẻ ăn vạ không phải là việc dễ dàng thực hiện đối với các bậc cha mẹ. Vì trẻ nhỏ rất thông minh và tinh ý. Chúng có thể nhận ra sự nhượng bộ của bạn dù bạn thể hiện ở mức độ thấp nhất. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải kiên định và nhất quán. Hãy thể hiện thái độ cương quyết của mình trong mọi tình huống ăn vạ của trẻ. Như vậy trẻ sẽ ý thức được hành vi của mình sẽ không thu hút được sự chú ý của bạn. Cũng như trẻ sẽ rút ra được bài học rằng ăn vạ không phải là cách để trẻ đạt được điều mình muốn. Đây chính là nền tảng quan trọng để bạn giúp trẻ rèn luyện suy nghĩ thái độ cũng như hành vi tích cực, khi xử lý các vấn đề phát sinh trong cuộc sống.
Theo Childmind
Lily Nguyễn lược dịch