Các bước cần chuẩn bị trước khi mang thai là việc mà những cặp đôi đang mong muốn có em bé nên lên kế hoạch trước ít nhất 3 tháng, thậm chí lâu hơn. Vì, đơn giản là có thể có một số vấn đề liên quan đến sức khỏe và thói quen mà bạn không thể cải thiện một sớm một chiều. Dưới đây là một kế hoạch 3 tháng rất tiêu biểu mà bạn có thể tham khảo.
1. 3 tháng trước khi bạn cố gắng thụ thai
1.1. Hãy hẹn gặp bác sỹ sản khoa
Dù bạn và “đối tác” đều nghĩ rằng mình khỏe mạnh và sẵn sàng để có em bé, nhưng việc gặp bác sỹ vẫn là một bước cần thiết cho quá trình chuẩn bị.
Theo ông John R.Sussman, phó giáo sư sản phụ khoa tại Đại học Y Connecticut thì: “Tìm hiểu lịch sử phụ khoa của bệnh nhân và kinh nghiệm mang thai trong quá khứ, có thể rất quan trọng trong việc giúp họ lên kế hoạch mang một thai kỳ khỏe mạnh trong tương lai.”
Trong cuộc gặp gỡ này, bác sỹ sẽ thực hiện một khảo sát nhỏ và xét nghiệm nếu cần thiết, bao gồm:
- Thảo luận về sức khỏe hiện tại, lịch sử sức khỏe của bản thân cũng như của gia đình hai bạn. Vì một số vấn đề về sức khỏe trong gi đình có thể truyền lại cho con cái của bạn. Bác sỹ có thể giới thiệu hai bạn đến gặp một chuyên gia về di truyền để được tư vấn cụ thể.
- Xét nghiệm máu hoặc tiêm vaccine nếu cần thiết
- Thảo luận về các loại thuốc, thảo dược và các chất bổ sung bạn đang dùng để thay đổi nếu cần. Vì chúng có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
- Thảo luận về các vấn đề sức khỏe mãn tính chẳng hạn như hen suyễn, huyết áp cao, bệnh tuyến giáp, động kinh, tim, lupus hoặc tiểu đường. Các tình trạng này cần được theo dõi cẩn thận trước và trong khi mang thai. Đối với phụ nữ bị tiểu đường, tỷ lệ có thai kỳ và em bé khỏe mạnh sẽ tăng lên nếu họ có thể kiểm soát được lượng đường trong máu trước khi mang thai. Phụ nữ đang được điều trị trầm cảm hoặc đã từng phải đối mặt với tình trạng rối loạn tâm trạng trong quá khứ cũng cần được chăm sóc đặc biệt trước, trong và sau thai kỳ.
- Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, bác sỹ sẽ khuyên bạn nên giảm cân trước khi mang thai . Việc này sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng trong thai kỳ.
1.2. Hãy dọn dẹp tủ thuốc gia đình của bạn
Tủ thuốc gia đình của bạn có lẽ đang chứa đầy những loại thuốc không kê đơn mà bạn dùng khi đau đầu, dị ứng hay táo bón, và cả các loại thảo dược khác nữa. Bây giờ là lúc bạn nên suy nghĩ về việc “xử lý” chúng. Vì những loại thuốc này có thể chứa những thành phần gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hoặc gây hại cho em bé của bạn. Đó là lý do bạn cần làm trống tủ thuốc của mình, chỉ để lại những loại cần thiết và không gây hại như bông băng, thuốc sát trùng dành cho sơ cứu, nước muối sinh lý,…
Sau khi dọn dẹp, bạn hãy bổ sung vào đó những loại thuốc bạn có thể sử dụng một cách an toàn theo tư vấn của bác sỹ tại cuộc hẹn ở trên.
1.3. Hãy xem xét việc ngưng sử dụng biện pháp tránh thai
Nếu bạn đang sử dụng các biện pháp tránh thai bằng rào chắn như bao cao su hay màng tránh thai, bạn có thể tiếp tục sử dụng chúng cho đến ngày dự định thực hiện kế hoạch thụ thai. Nhưng nếu bạn đang dùng thuốc tránh thai hoặc các liệu pháp hormone, thì hãy xem xét chuyển sang biện pháp tránh thai khác từ bây giờ. Vì một số phụ nữ bắt đầu rụng trứng gần như ngay sau khi ngừng thuốc, nhưng một số người khác lại mất đến vài tháng.
1.4. Hãy đến gặp nha sỹ
Bệnh nướu răng có liên quan đến sinh non, vì vậy bạn hãy đến gặp nha sĩ để đảm bảo có sức khỏe răng miệng tốt trước khi mang thai. Nếu bạn cần điều trị nha khoa, chụp X-quang hay dùng thuốc nên được thực hiện trước khi bạn thụ thai.
1.5. Xem xét vấn đề an toàn trong công việc
Nếu bạn lo lắng về bất cứ điều gì bạn tiếp xúc khi làm việc như hóa chất độc hại, tình trạng đứng lâu hoặc căng thẳng quá mức, hãy trao đổi với nhà quản lý của bạn để sắp xếp một phương án phù hợp nhất có thể.
“Đối tác” của bạn cũng nên thực hiện điều tương tự mặc dù để một số nhà tuyển dụng thừa nhận rằng các vấn đề về sức khỏe sinh sản cũng quan trọng đối với nam giới là không dễ dàng. Nhưng bạn cần thử và cố gắng thuyết phục họ vì lợi ích cho em bé tương lai của bạn.
2. 2 tháng trước khi bạn cố gắng thụ thai
2.1. Hãy chú ý đến chế độ ăn của bạn
Bạn hãy đưa ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau củ vào chế độ ăn hàng ngày của mình. Đồng thời cố gắng hạn chế tiêu thụ chất béo không lành mạnh. Bạn nên đặc biệt chú ý đến những loại thực phẩm giàu calcium và sắt. Cũng như không thể bỏ qua việc bổ sung acid folic – một chất rất cần thiết để phòng ngừa dị tật nứt đốt sống ở thai nhi trong giai đoạn sớm của thai kỳ.
Các ông bố tương lại cũng cần bổ sung một lượng nhất định acid folic , kẽm và vitamin C để giúp tăng cường chất lượng của tinh trùng.
Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế lượng cá biển tiêu thụ, đặc biệt là những loại cá nước sâu lớn như cá ngừ, cá mập, cá ngói,…Vì những loại hải sản này chứa hàm lượng thủy ngân cao, không có lợi cho sức khỏe của cả bạn và em bé.
Việc áp dụng một chế độ ăn đa dạng sẽ giúp cung cấp các vitamin và khoáng chất cho hai bạn. Tuy nhiên, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sỹ về việc sử dụng các loại vitamin tổng hợp để đảm bảo các chất cần thiết sẽ không bị thiếu hụt.
2.2. Điều chỉnh cân nặng của bạn
Nếu bạn đang có cân nặng khỏe mạnh (BMI 18.5-24.9) trước khi mang thai thì thật lý tưởng, thai kỳ của bạn có thể thuận lợi hơn rất nhiều.
Nếu bạn đang thừa cân hoặc thiếu cân, bạn hãy cố gắng đạt được cân nặng bình thường trước khi mang thai.
Thừa cân khi mang thai có thể làm tăng rủi ro trong thai kỳ với các tình trạng như huyết áp cao, tiểu đường, sảy thai, thai lưu, dị tật bẩm sinh và tăng khả năng sinh mổ.
Bạn không nên cố gắng giảm cân khi mang thai. Nhưng thực hiện việc này trước khi bạn thụ thai lại là một việc rất có lợi cho bạn.
2.3. Tập thể dục điều độ
Tập thể dục điều độ trước khi có thai sẽ giúp cơ thể bạn đối phó với tất cả những thay đổi mà bạn sẽ trải qua trong quá trình mang thai và chuyển dạ .
Hầu hết phụ nữ đã có chế độ tập luyện đều đặn vẫn có thể duy trì việc tập luyện hiện tại trong suốt phần lớn thời gian mang thai.
Nếu bạn chưa có một chương trình tập luyện nào tính đến thời điểm hiện tại, thì nên bắt đầu ngay với 30 phút thể dục mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần, và kéo dài suốt thai kỳ.
Số lượng bài tập và cường độ tập luyện nên dựa vào sức khỏe tổng thể và mức độ năng động của bạn trước khi mang thai. Bạn hãy trao đổi cụ thể với bác sỹ sản khoa của bạn để được tư vấn và hướng dẫn những bài tập phù hợp.
3. 1 tháng trước khi bạn cố gắng thụ thai
Hai bạn hãy cùng nhau từ bỏ các thói quen xấu. Đã đến lúc những thói quen xấu có thể gây hại cho em bé tương lai của hai bạn cần được kiên quyết loại bỏ. Chúng bao gồm: thuốc lá, rượu hoặc ma túy. Đây là những chất có thể:
- Làm cho bạn khó mang thai hơn
- Tăng khả năng sảy thai
- Ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi
Rượu có thể gây hại cho thai nhi đang phát triển ngay cả với lượng nhỏ. Uống rượu khi bạn mang thai có khả năng gây ra các vấn đề lâu dài cho em bé, chẳng hạn như thiểu năng trí tuệ, các vấn đề về hành vi, khuyết tật về học tập, khuôn mặt và tim.
Hút thuốc lá cũng ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi và khiến trẻ có nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe cao hơn sau này.
Phụ nữ hút thuốc khi mang thai có tỷ lệ sinh con nhẹ cân cao hơn. Hút thuốc cũng khiến bạn khó phục hồi hơn sau khi sinh.
Bạn cũng nên cắt giảm lượng caffeine cũng như hạn chế sử dụng các loại thuốc không kê đơn. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bạn sử dụng bất kì loại thuốc nào.
Hầu hết các loại thuốc đều có tác dụng phụ của nó, nhiều loại tác dụng chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn. Vì vậy nếu thuốc hoặc chất bổ sung không thực sự cần thiết thì bạn không nên dùng chúng.
4. Hãy khởi động
Khi bạn đang tích cực cố gắng thụ thai, hãy thực hiện thêm một vài bước để tăng tỷ lệ có một thai kỳ khỏe mạnh có lợi cho bạn:
- Hãy ăn uống một cách an toàn: bạn nên thực hiện nghiêm túc nguyên tắc ăn chín uống sôi kể từ bây giờ. Hãy tránh xa các món tái, sống như thịt tái, sushi, trứng lòng đào, thịt nguội, pho mát mềm, sữa và nước trái cây không tiệt trùng, rau mầm sống và trà thảo dược. Các loại thực phẩm này tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa, cũng như khả năng bị các loại ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể.
- Hãy để người khác xử lý các việc nhà không an toàn như dọn chuồng thú cưng, sử dụng sơn, dung môi hay thuốc trừ sâu. Phân của một số loại vật nuôi như mèo hay các loài gặm nhấm có thể chứa ký sinh trùng đặc biệt nguy hiểm với thai nhi.
- Hãy giúp anh ấy giữ vùng bìu được mát mẻ bằng cách mặc đồ lót không quá bó sát, điều này sẽ tạo môi trường thân thiện với tinh trùng hơn. Anh ấy cũng nên tránh để máy tính xách tay trên đùi, cũng như tránh đạp xe quá 2 giờ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần.
Các bước chuẩn bị trước khi mang thai với kế hoạch 3 tháng trên hy vọng sẽ giúp hai bạn lập được một kế hoạch cụ thể về việc có em bé, đồng thời thực hiện nó một cách khoa học và nghiêm túc. Bạn càng chuẩn bị chu đáo thì khả năng có một thai kỳ khỏe mạnh càng cao. Vì vậy, hãy dành thời gian cùng nhau tiến từng bước vững chắc trong kế hoạch quan trọng này bạn nhé.
Theo Parents & Medline Plus
Lily Nguyễn tổng hợp