Bỏ túi 3 bí kíp này, bạn sẽ không biết đau đẻ là gì

0
10

Không biết các mẹ thế nào chứ mình thấy chuyện sinh con và cơn đau đẻ không quá đáng sợ như nhiều người dọa. Nói các mẹ bảo mình điêu, chứ thật là như thế.

Thật ra, trước đây lúc mang bầu sắp sinh bé mình cũng từng hoang mang, lo lắng như các mẹ. Nào là lo không biết bé ra đời có đúng ngày dự sinh không, không biết vỡ ối là như thế nào… nhưng lo nhất và sợ nhất vẫn là lúc lên bàn đẻ, làm sao để đẻ bé thật nhanh mà không đau.

Hỏi chuyện sinh đẻ của một số bạn bè và người quen, ai nấy đều lắc đầu nguầy nguậy: “Đẻ đau thấu tận trời xanh”, “Đẻ một lần là tởn tới già không có lần thứ hai”, “Không có cái đau nào như đau đẻ”… Nghe xong ngần ấy chia sẻ mình thật sự hoang mang, căng thẳng tột độ dù đã tham gia khóa học tiền sản, chuẩn bị tâm lý rất kỹ càng.

Sinh con cũng không quá đáng sợ như nhiều người bảo. Ảnh minh họa

Cuối cùng, cái ngày mình mong nhất nhưng lo lắng nhất cũng đã đến. Lúc vào phòng sinh thậm chí mình đã khóc vì quá sợ hãi đến nỗi chồng phải gắt: “Sao em cứ khóc mãi thế?”. Nhưng thật mọi thứ không như mình tưởng, mình đã vượt qua cơn đau đẻ một cách nhẹ nhàng chứ không quá đáng sợ như nhiều người bảo. Mình không trải qua cơn đau đẻ nhiều một phần có lẽ do mình sinh nhanh, nhưng phần lớn do mình có các bí quyết sau. Xin chia sẻ cùng các mẹ sắp sinh nhé!

Trước sinh

– Siêng vận động, đi bộ nhiều nhất là những tháng cuối thai kỳ. Bắt đầu thứ tháng thứ 8, tối nào mình cũng đi bộ khoảng 30 phút và đặc biệt mình rất siêng làm việc nhà, tất nhiên các việc nhẹ nhàng thôi.

– Ăn uống: Bắt đầu từ tháng thứ 9 mình ăn uống thoải mái không kiêng cữ gì hết nhằm lấy sức cho cuộc vượt cạn sắp đến. Thêm vào đó mình cũng ăn thêm chè mè đen sắn dây, uống nước là tía tô, ăn thơm giúp cổ tử cung mềm ra cho dễ sinh (lưu ý chỉ ăn thơm khi cách ngày dự sinh một đến hai ngày thôi nhé)

Trong phòng sinh, cái này mới quan trọng nè

1. Không kêu la, tập trung suy nghĩ về đứa con sắp chào đời

Khi đi học tiền sản mình cũng được chỉ điều này nhưng lúc vào phòng sinh mình quên béng mất. Mỗi lần tử cung co thắt đau khủng thiếp nên mình hét thôi rồi nhưng cũng may không bị la. Chị hộ sinh chỉ nhẹ nhàng đến khuyên, nếu mình la lớn quá em bé trong bụng sẽ không thở được, xong chỉ chỉ cho mình màn hình đo tim thai, đúng là khi mình la to tim thai hiển thị trong máy không ổn định. Chị bảo mình ráng chịu đựng, đầu óc cứ tập trung nghĩ đến em bé sắp chào đời, nghĩ đến cảnh được ôm ấp, hôn hít con là cơn đau tự nhiên biến mất thôi. Mình làm theo và quả nhiên cơn đau đẻ lúc này dịu xuống hẳn luôn.

2. Rủ chồng vào phòng sinh

Ở các bệnh viện hiện giờ hình như đều có dịch vụ này. Việc cho chồng vào phòng sinh với mình có tác dụng giảm đau cực hiệu quả luôn, vậy mà mình không hiểu sao nhiều mẹ lại không cho chồng vào nhỉ, này nhé!

– Có chồng bên cạnh khi đau quá mình nắm chặt tay chồng, nhờ chồng mát xa, xoa bóp cho (thậm chí có thể… mắng chồng

– Có chồng bên cạnh tự nhiên tâm lý mình cũng tốt hơn rất nhiều, mình bớt sợ, bớt thấy cô đơn không có cảm giác “đi biển một mình”.

3. Thở và rặn đẻ đúng cách

Sau khi tử cung mình mở được 7 phân, bác sĩ đến và đỡ đẻ cho mình. Bác chỉ mình cách thở và rặn đẻ sao cho em bé nhanh ra, việc này rất quan trọng í ạ. Các bước tuần tự như sau nhé các mẹ:

– Bước 1: Thở ngực chậm

Áp dụng cách thở này khi cổ tử cung mở từ 2 – 6 cm, các cơn co thắt cứ 4 – 5 phút xuất hiện một cơn.

Cách tiến hành: Khi các cơn co thắt tử cung bắt đầu, các mẹ hãy hít thật sâu để không khí đi qua mũi vào tận đáy phổi và nhẹ nhàng thở ra bằng miệng.

Bước 2: Thở ngực nông

Áp dụng cách thở này khi cổ tư cung mở từ 6-8cm, các cơn co lúc này mạnh hơn, kéo dài hơn khoảng 40 – 50 giây/cơn.

Cách tiến hành: Hít thở một hơi thật sâu qua mũi rồi thở ra bằng miệng, nhịp thở thay đổi theo tần suất của cơn đau: khi đau quá sẽ thở nhanh, khi cơn đau giảm sẽ thở ngắn, khi hết đau hít thật sâu rồi nhẹ nhàng thở ra.

Bước 3: Thở ngắn, nhanh, nông

Áp dụng cách này khi cổ tử cung đã mở 8 – 10cm. Lúc này đầu thai nhi đã tụt xuống và mẹ có cảm giác muốn rặn. Các cơn đau lúc này cũng trở nên đồn dập hơn, các cơn co cũng kéo dài hơn khoảng 50 – 55 giây.

Cách tiến hành: Khi các cơn bắt đầu, các mẹ thở 3 lần bằng hơi thở ngắn, đến hơi thở thứ 4 thì mạnh lên. Lặp lại như vậy đến 4 lần, lần thứ 5 thì hít vào nhé!

Lúc này các mẹ nên bình tĩnh thở và rặn, nếu không có thể khiến cổ tử cung sưng lên gây khó khan cho cuộc đẻ í.

Bước 4: Thở và rặn đẻ

Áp dụng khi cổ tử cung đã mở hoàn toàn và bác sĩ yêu cầu rặn đẻ, các mẹ hãy hít một hơi thật sâu, thật dài và cố lấy sức rặn con ra nhé! Nhớ là ở giai đoạn nước rút này đừng quá căng thẳng nhé các mẹ, cứ bình tĩnh làm theo lời bác sĩ là được, tuyệt đối tránh kêu la sẽ mất sức và thiếu không khí để con thở.

Sau 30 phút vào phòng sinh thì bé nhà mình đã cất tiếng khóc oe oe chào đời

Phù, vậy là xong! Chỉ sau 30 phút vào phòng sinh mình đã được nhìn thấy con, được nghe tiếng khóc oe oe của con, cơn đau đẻ như biến mất và mình hạnh phúc không thể tả. Đến nỗi mình bảo ngay với chồng, lần này là thằng cu sau nữa sẽ là con nhóc nhé anh!

Thế đấy các mẹ, mọi thứ phải do mình trải nghiệm thì mới biết thế nào. Nghe các chia sẻ để lấy kinh nghiệm cũng tốt, nhưng đừng để nó ám ảnh mình nhé, nhất là các mẹ sắp sinh. Chúc các mẹ vượt cạn suôn sẻ, mẹ tròn con vuông nhé!

Nguồn webtretho

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận