Bổ sung sắt trước khi mang thai – bạn đã thực hiện đúng cách?

0
9

Bổ sung sắt trước khi mang thai là một trong những việc cần thiết mà bạn nên thực hiện. Vì sắt là một trong những khoáng chất phổ biến nhất trong cơ thể và có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta. Việc thiếu hụt sắt sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là với phụ nữ (nhóm đối tượng thường xuyên bị thiếu sắt) và phụ nữ mang thai (những người cần tiêu thụ lượng sắt nhiều hơn bình thường). Vậy bổ sung sắt như thế nào cho hợp lý khi chuẩn bị mang thai, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé. 

Bổ sung sắt trước khi mang thai là việc cần thiết mà bạn nên thực hiện. Ảnh Internet 

1. Vai trò của sắt đối với cơ thể

Cơ thể chúng ta sử dụng sắt trong tổng hợp hemoglobin hay huyết sắc tố – một chất trong các tế bào hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển oxi cho các tế bào khắp cơ thể, và myoglbin – một chất dự trữ oxi cho cơ thể.

Sắt còn đóng vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động khác của cơ thể như: sản xuất năng lượng oxi hóa, bất hoạt các gốc oxi có hại, tạo ra tế bào mới, dẫn truyền thần kinh, amono axit và hormone,…

Khi mang thai, cơ thể bạn phải cung cấp máu và oxi cho em bé, do đó nhu cầu về sắt tăng lên để theo kịp sự gia tăng nguồn cung cấp máu. Trên thực tế, lúc này bạn cần đến khoảng 27mg sắt mỗi ngày. Do vậy, bạn nên có nguồn sắt dự trữ trong cơ thể ở mức khoảng 300mg trước khi mang thai qua chế độ ăn, các loại vitamin tiền mang thai hoặc viên uống bổ sung khác (theo sự tư vấn của bác sỹ chuyên khoa).

Theo Melissa Goist, bác sỹ và trợ lý giáo sư về mặt lâm sàng sản phụ khoa tại Trung tâm y tế Wexner, Đại học bang Ohio tại Columbus, Ohio: “Nhìn chung, hầu hết những phụ nữ có lượng sắt dự trữ đầy đủ, có uống vitamin tiền sinh sản và ăn chế độ ăn bình thường có lẽ sẽ không cần bổ sung sắt.” 

Uống vitamin tiền sinh sản và ăn chế độ bình thường có thể sẽ không cần bổ sung sắt. Ảnh Internet 

Tuy nhiên, rất nhiều phụ nữ bị thiếu sắt (thiếu máu) khi mang thai, ngay tại Mỹ, tỷ lệ này cũng lên đến 15-25% – theo Hiệp hội mang thai Hoa Kỳ ( American Pregnancy Association ).

Tình trạng thiếu máu do thiếu sắt nghiêm trọng là điều đáng sợ vì hậu quả xấu nhất có thể xảy đến đó là trẻ sinh ra bị nhẹ cân, nguy cơ cao bị sinh non, thậm chí có thể tử vong cho cả bé và mẹ.

Tuy nhiên, một điều đáng mừng là bạn có thể can thiệp vào rất lâu trước khi điều tồi tệ nhất xảy ra.

Việc thiếu sắt sẽ khiến bạn thấy mệt mỏi, chóng mặt và khi kết hợp với các triệu chứng mang thai thì nó quả thật khiến bạn thấy bị đau gấp đôi.

Vì vậy, hãy thông báo cho bác sỹ tại buổi khám thai định kỳ bất kì triệu chứng bất thường nào bao gồm cả sự kiệt sức làm gián đoạn nghiêm trọng một ngày của bạn. 

Thiếu sắt sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Ảnh Internet 

2. Bổ sung sắt trước khi mang thai qua nguồn nào

Hầu hết các bác sỹ sẽ kiểm tra nồng độ sắt trong cơ thể bạn vào tam cá nguyệt thứ nhất và lặp lại một lần nữa sau đó (tùy thuộc vào lượng sắt của bạn khi kiểm tra), Bác sỹ Goist nói. Đó là cách mà bà mẹ hai con Jenny DiBenedtto 38 tuổi, ở Mount Pleasant, Nam Calorina phát hiện ra mình bị thiếu máu trong lần mang thai đầu tiên. “Tôi không hề nghĩ đến việc mình bị thiếu máu”, Jenny nói. “Nó đã được phát hiện thông qua xét nghiệm máu định kỳ. Tôi đã kiệt sức, nhưng vì đang mang thai những tháng đầu nên đó là một cuộc hẹn tôi đang chờ đợi.”

Bác sỹ đã đề nghị Jenny bổ sung sắt bằng viên uống. “Việc bổ sung cùng với ăn “hàng tấn” thịt đỏ và rau xanh đã giúp tăng lượng sắt trong cơ thể đủ để nó không còn đáng lo ngại cho sức khỏe em bé của tôi.” Jenny nói.

Xử lý như vậy là một cách lý tưởng để chống lại tình trạng sắt ở mức độ thấp trong cơ thể.

Theo Rebecca Blake, Giám đốc cấp cao của khoa Dinh dưỡng lâm sàng tại bệnh viện Mourit Sinai Beth Israel ở New York cho biết: “Chúng tôi biết rằng bạn có thể nhận được đủ lượng sắt cần thiết thông qua các viên uống bổ sung. Đó là cách tuyệt vời giúp phụ nữ mang thai tăng mức độ sắt mà không cần phải lo lắng liệu chế độ ăn uống của họ có cung cấp đủ hay không.” 

Theo các chuyên gia, uống viên bổ sung sắt là một giải pháp tuyệt vời cho bạn trước và trong khi mang thai. Ảnh Internet 

Có rất ít nguy cơ bị quá nhiều sắt trong thai kỳ, đặc biệt là khi nồng độ sắt của bạn đang ở mức thấp. Vì vậy bạn chỉ cần làm theo lời khuyên của bác sỹ về việc uống bổ sung.

Bạn cũng có thể nghe nói đến việc uống sắt có thể gây táo bón. Đó là sự thật, ngay cả khi bạn chỉ tăng mức tiêu thụ lên một lượng phù hợp với nhu cầu cơ thể trong thai kỳ.

“Mặc dù vậy, có rất nhiều viên uống sắt dùng cho thai kỳ có kết hợp với chất làm mềm phân như Colace để ngăn ngừa bất kì vấn đề nào”, cũng theo bác sỹ Goist.

Như vậy, khi bạn có kế hoạch mang thai , hãy đến tham khảo ý kiến bác sỹ về việc bổ sung sắt, bác sỹ sẽ hướng dẫn bạn uống loại viên uống hoặc vitamin có nồng độ phù hợp. Cùng với đó, là kết hợp với chế độ ăn với những thực phẩm giàu sắt. 

Khi bạn có ý định mang thai, hãy tham khảo ý kiến bác sỹ về việc bổ sung sắt, bạn sẽ được hướng dẫn uống loại viên uống hoặc vitamin có nồng độ phù hợp. Ảnh Internet 

3. Các thực phẩm giàu sắt bạn nên đưa vào chế độ ăn 

Bên cạnh việc dùng các viên uống bổ sung sắt hay vitamin tổng hợp theo chỉ định của bác sỹ, bạn có thể dùng những loại thực phẩm giàu sắt.

Có hai dạng sắt trong thực phẩm đó là:

  • Sắt heme : là loại sắt có trong hemoglobin trong máu động vật, dễ hấp thụ (tỷ lệ hấp thụ khoảng 30-35%). Sắt heme chứa nhiều trong các loại thực phẩm như: thịt đỏ nạc (thịt bò, thịt cừu, thịt heo), gan, hải sản (tôm, cá mòi, hàu, cá hồi, cá ngừ,…), thịt gia cầm (gà tây, nội tạng gà,…)
  • Sắt non-heme : là loại sắt có trong mô thực vật, khó hấp thụ (tỷ lệ hấp thụ dưới 10%), nhưng vẫn được tính vào tổng lượng sắt dung nạp. Sắt non-heme có trong các loại thực phẩm như: ngũ cốc (đặc biệt là ngũ cốc và bánh mì được tăng cường sắt), rau củ (rau bina, rau cải xoăn, bông cải xanh, khoai lang, cà chua, bí ngô,…), các loại hạt (hạt bí, hạt điều, quả hồ trăn,…), các loại đậu (đậu xanh, đậu lăng, đậu trắng, đậu gà, đậu hà lan,…) một số loại trái cây (dâu, nho khô, dưa hấu, mận, đào khô, mơ khô)

Dù sắt heme là loại cơ thể dễ hấp thụ hơn so với sắt non-heme, nhưng bạn không nên vì vậy mà không đưa các loại thực phẩm chứa non-heme vào thực đơn của mình. Điều quan trọng là bạn có chế độ ăn đa dạng các loại thực phẩm để không những bổ sung sắt mà còn các loại vitamin và khoáng chất khác. Đối với riêng sắt thì việc kết hợp với thực phẩm khác có thể cải thiện khả năng hấp thụ của cơ thể. 

Bạn cần kết hợp chế độ ăn đa dạng thực phẩm bổ sung sắt và các vitamin khoáng chất khác cho bạn. Ảnh Internet 

4. Bổ sung sắt trước khi mang thai như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất

Có một điều thú vị là những gì bạn tiêu thụ cùng với sắt sẽ ảnh hưởng đến việc bạn hấp thụ loại khoáng chất này hiệu quả như thế nào.

Cho dù bạn đang uống viên sắt hay ăn các thực phẩm giàu sắt thì việc sử dụng cùng với các loại thực phẩm giàu canxi như sữa hoặc phô mai sẽ làm giảm khả năng hấp thụ của cơ thể. Vì vậy bạn có thể cần suy nghĩ lại về thói quen bổ sung sắt cùng với một chén ngũ cốc trộn sữa.

Mặt khác, các thực phẩm giàu tính axit như nước cam hoặc cà chua lại tăng khả năng hấp thụ sắt. Bác sỹ Blake nói. Việc ăn các thực phẩm giàu vitamin C cùng với thực phẩm chứa sắt non-heme sẽ giúp tăng đáng kể sự hấp thụ của nó. 

Dùng thực phẩm giàu vitamin C là rất cần cho bạn. Ảnh Internet 

Bổ sung sắt trước khi mang thai, cũng giống như bổ sung một số chất quan trọng khác (ví dụ như bổ sung axit folic ) là việc rất cần thiết mà bạn nên thực hiện để chuẩn bị cho thai kỳ của mình. Một thể trạng khỏe mạnh với đầy đủ các vitamin và khoáng chất cho quá trình phát triển của em bé cũng như sức khỏe của bạn, sẽ giúp bạn có một thai kỳ thuận lợi cũng như hạn chế rủi ro có thể xảy ra cho cả bạn và bé.

Theo Parents & American Pregnancy

Lily Nguyễn tổng hợp

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận