Mang đa thai, mẹ gặp vấn đề về sức khỏe, hay nhiễm trùng nước ối… đều là những nguyên nhân khiến mẹ dễ sinh non.
Một thai kỳ đủ ngày tháng sẽ trải qua từ 39 – 40 tuần thai. Tuy nhiên nếu cơn đau chuyển dạ đến bất cứ lúc nào trước tuần thứ 37 của thai kỳ sẽ được gọi là chuyển dạ sớm và dẫn đến nguy cơ sinh non.
Dưới đây là những trường hợp dễ dẫn đến sinh non. Mẹ bầu cần biết để có thể phòng tránh.
1. Có tiền sử sảy thai, sinh non
Theo tiến sĩ Jill Hechtman, giám đốc y khoa bệnh viện Tampa Obstetrics (Florida, Mỹ), tiền sử sinh non là một trong những yếu tố hàng đầu dẫn đến sinh non ở các thai phụ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu trước đó thai phụ đã từng có tiền sử sinh non thì khả năng sinh non của các mẹ tăng 30 đến 50% so với các mẹ bình thường.
2. Thụ tinh nhân tạo
Mặc dù chưa có một con số chính xác về khả năng sinh non ở những ca thụ tinh nhân tạo nhưng thực tế cho thấy, những phụ nữ sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo thường có nguy cơ sinh non cao hơn các thai phụ mang thai bình thường.
3. Mang thai đôi hoặc đa thai
Theo tổ chức March of Dimes, 50% các cặp sinh đôi bị sinh non, trong khi đối với các cặp sinh ba, sinh tư hoặc thậm chí hơn, thì nguy cơ sinh non có thể tăng lên đến 90%. Nguyên nhân của tình trạng này là bởi trọng lượng của thai nhi quá lớn sẽ gây áp lực lên tử cung từ đó thúc đẩy quá trình sinh con diễn ra sớm hơn.
4. Cổ tử cung ngắn
Những phụ nữ có cổ tử cung bị rút ngắn, đặc biệt là người đã trải qua thủ thuật khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP) để xét nghiệm tế bào tiền ung thư hoặc bất thường thì sẽ có nguy cơ sinh non cao hơn.
Trong một số trường hợp, cổ tử cung của mẹ bầu có thể giãn nở sớm trước 37 tuần thai, khiến mẹ bị vỡ ối sớm và sinh non. Tuy nhiên, giãn tử cung sớm có thể được phát hiện qua siêu âm thai. Vì vậy để ngăn ngừa nguy cơ này, mẹ bầu cần khám thai theo đúng lịch định kỳ bác sĩ chỉ định.
5. Độ tuổi mang thai quá trẻ hoặc già
Phụ nữ mang thai ở độ tuổi quá trẻ (dưới 15 tuổi) hoặc quá lớn (trên 40 tuổi) thường có khả năng sinh non lớn hơn những phụ nữ nằm trong độ tuổi sinh sản cho phép.
6. Mẹ gặp vấn đề về sức khỏe
Sức khỏe người mẹ là vô cùng quan trọng để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh và thai nhi phát triển tốt. Vì vậy khi mẹ bầu mắc một trong những bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim, thiếu máu… đều có thể dẫn đến sinh non.
7. Nhiễm trùng nước ối
Nhiễm trùng ối là khi vi khuẩn xâm nhập từ âm đạo lên tử cung và ảnh hưởng trực tiếp đến nước ối gây nhiễm trùng. Khi nước ối bị nhiễm trùng sẽ có màu xanh đục và mùi hôi. Lúc này bé sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng trong tử cung… Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến thai phụ dễ bị sinh non và gặp những biến chứng nguy hiểm với cả mẹ bầu và thai nhi.
8. Nhiễm trùng bộ phận sinh dục
Với khả năng miễn dịch trong cơ thể thấp khi mang thai nên bệnh nhiễm trùng rất phổ biến và là mối đe dọa với các mẹ bầu. Nguyên nhân khi bị nhiễm trùng bộ phận sinh dục, người mẹ sẽ rất dễ phải đối mặt với những cơn co tử cung và dẫn đến sinh non. Những bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất ở mẹ bầu là nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng âm đạo. Cả hai bệnh này đều ảnh hưởng rất xấu đến thai kỳ nên mẹ nhớ phòng tránh nhé!
(Tổng hợp)