4 loại vaccine cần tiêm phòng trước khi mang thai chị em nên biết

0
15

Tiêm phòng trước khi mang thai là một việc khá quan trọng mà các chị em nên thực hiện một cách đầy đủ. Vì khi mang thai, sức đề kháng của cơ thể mẹ bị giảm xuống nên dễ mắc bệnh hơn bình thường. Bị bệnh khi mang thai không những ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ mà còn cả của thai nhi nữa. Bên cạnh đó, có một số căn bệnh khá nguy hiểm cho thai nhi nếu mẹ mắc phải trong thai kỳ. Do vậy, việc tiêm phòng trước khi có em bé là rất cần thiết. Chị em hãy xem qua một số loại vaccine cần tiêm sau đây nhé.

Phụ nữ cần tiêm phòng vaccine trước khi mang thai. Ảnh Internet

1. Vaccine ngừa sởi, quai bị, rubella (measles, mumps and rubella – MMR)

Thông thường, hầu hết chúng ta đã được tiêm ngừa sởi và quai bị khi còn nhỏ vì đây là hai loại vaccine nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia. Riêng đối với rubella, không phải khu vực nào cũng đưa nó vào chương trình tiêm chủng.

Bệnh rubella rất nguy hiểm đối với những phụ nữ mang thai. Nếu mắc bệnh này trong thai kỳ có thể dẫn đến sinh non hoặc dị tật cho thai nhi. Việc tiêm MMR trước khi mang thai sẽ giúp phòng ngừa bệnh rubella cũng như tăng cường kháng thể đối với sởi và quai bị. Như vậy khi mang thai , cả mẹ và em bé sẽ được bảo vệ tốt hơn.

Một lưu ý đối với loại vaccine này là bạn nên đợi tối thiểu là trên 1 tháng sau tiêm mới nên có thai.

Tiêm phòng MMR rất cần thiết với mọi chị em phụ nữ chuẩn bị mang thai. Ảnh Internet

2. Vaccine ngừa thủy đậu (varicella)

Bệnh thủy đậu nếu mắc phải trong thai kỳ có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến mẹ và thai nhi, đặc biệt trong giai đoạn đầu của thai kỳ.

2.1 Đối với mẹ

Thủy đậu có thể dẫn đến 10-20% nguy cơ bị viêm phổi do virus varicella. Trong những trường hợp bị viêm phổi này, thì 40% có nguy cơ tử vong.

2.2 Đối với thai nhi

  • Trong tam cá nguyệt thứ nhất (đặc biệt tuần 8-12) nếu mẹ (chưa được tiêm ngừa thủy đậu hoặc cơ thể không có kháng thể đối với thủy đậu) thì thai nhi có 0.4% bị “Hội chứng thủy đậu bẩm sinh (với biểu hiện thường gặp là sẹo trên da và một số bất thường khác có thể xảy ra là tật đầu nhỏ , đục thủy tinh thể, bệnh lý võng mạc, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần).
  • Trong tam cá nguyệt thứ hai (đặc biệt là tuần 13-20), nguy cơ bị hội chứng trên của thai nhi tăng lên 2%.
  • Sau tuần thứ 20 của thai kỳ, căn bệnh này hầu như không ảnh hưởng đến thai nhi.
Sau tuần 20 của thai kỳ, bệnh thủy đậu không ảnh hưởng đến thai nhi. Ảnh Internet
  • Mẹ bị nhiễm bệnh 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau sinh thì em bé có nguy cơ cao bị nhiễm “thủy đậu lan tỏa”. Tỷ lệ tử vong của trẻ trong trường hợp này khá cao, lên đến 25-30% số trường hợp bị nhiễm.

Do những nguy cơ có thể xảy ra cho đặc biệt là đối với mẹ, trước khi mang thai bạn nên thử máu để được xác định lượng kháng thể của thủy đậu trong cơ thể. Nếu bạn chưa có kháng thể, hãy trao đổi với bác sỹ để được tiêm 2 liều vaccine nhằm được bảo vệ hoàn toàn đối với bệnh này.

Sau khi tiêm ngừa vaccine thủy đậu, bạn cũng nên đợi ít nhất 4 tuần rồi mới nên có em bé.

Bệnh thủy đậu có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến mẹ và thai nhi. Ảnh Internet

3. Vaccine ngừa phế cầu

Đây là vaccine giúp phòng ngừa các bệnh gây ra bởi phế cầu như viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm tai giữa.

Loại vaccine này được khuyến cáo đối với những người hút thuốc, bị bệnh tim mạch, phổi, thận mãn tính hay tiểu đường.

Vaccine ngừa phế cầu được khuyến cáo đối với những người hút thuốc. Ảnh Internet

4. Vaccine ngừa cúm

Mọi phụ nữ chuẩn bị mang thai đều được khuyến cáo tiêm vaccine ngừa cúm, đặc biệt là vào thời điểm cúm mùa. Vì, căn bệnh này có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho thai nhi nếu mắc phải trong thai kỳ.

Nếu bạn chưa tiêm ngừa trước khi mang thai, thì vẫn có thể tiêm trong thai kỳ vì loại vacicne này an toàn đối với thai kỳ.

Mọi phụ nữ chuẩn bị mang thai đều được khuyến cáo tiêm vaccine ngừa cúm. Ảnh Internet

Ngoài các loại vaccine trên, một số loại vaccine khác cũng được khuyến cáo tiêm ngừa cho mẹ nhằm giúp cơ thể mẹ tạo kháng thể và truyền cho thai nhi, giúp trẻ sinh ra sẽ được bảo vệ trong một khoảng thời gian nhất định cho đến khi đủ độ tuổi để được tiêm vaccine trực tiếp. Các vaccine đó gồm:

  • Vaccine ngừa ho gà : được khuyến cáo tiêm cho phụ nữ mang thai vào tam cá nguyệt thứ ba (khoảng tuần thứ 28).
  • Vaccine du lịch : nếu bạn đi du lịch đến những vùng có nguy cơ bị dịch bệnh cao, bạn sẽ được khuyến cáo tiêm vaccine. Tuy nhiên không phải loại vaccine nào cũng tiêm được cho phụ nữ mang thai. Ngoại trừ một số loại vaccine như viêm gan A, viêm gan B, uốn ván, bạch hầu, ho gà, cúm là an toàn khi tiêm trong thai kỳ, những loại vaccine sống như MMR không được dùng cho phụ nữ mang thai. Tốt nhất, bạn nên hạn chế tối đa việc đến những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao. Nếu bắt buộc phải đến, bạn hãy trao đổi kỹ lưỡng với bác sỹ để được chỉ định loại vaccine phù hợp và an toàn cho thai kỳ của bạn.
Nếu bạn đi du lịch đến vùng có nguy cơ dịch bệnh cao – hãy tiêm tiêm vaccine. Ảnh Internet

Việc tiêm vaccine ngừa bệnh là rất cần thiết, tuy nhiên, một số phụ nữ có cơ địa dị ứng có khả năng dị ứng với vaccine thì được khuyến cáo không tiêm một số loại nhất định. Ví dụ:

  • Bạn bị dị ứng với men (làm bánh mì) thì không nên tiêm vaccine ngừa viêm gan B.
  • Bạn bị dị ứng nghiêm trọng với trứng thì không nên tiêm vaccine ngừa cúm.
  • Bạn bị dị ứng nghiêm trọng với gelatin hay kháng sinh neomcin thì không nên tiêm vaccine MMR.
Nếu bạn dị ứng nghiêm trọng với trứng thì không nên tiêm vaccine ngừa cúm. Ảnh Internet

Nếu bạn không tiêm một mũi vaccine quan trọng nào đó (vì lý do chủ quan hay khách quan), hãy thảo luận với bác sỹ về những cách khác để phòng ngừa bệnh tật.

Như vậy, việc tiêm phòng trước khi mang thai đòi hỏi sự tìm hiểu và lưu ý rất kĩ càng của các chị em. Bạn hãy thực hiện đầy đủ những chỉ định của bác sỹ về tiêm vaccine trước và trong thai kỳ, để đạt được hiệu quả cao nhất, trong việc bảo vệ sức khỏe của bạn và bé. Tiêm phòng vaccine còn truyền một lượng kháng thể nhất định, giúp con bạn phòng tránh những căn bệnh nguy hiểm sau khi chào đời.

Theo Pregnancy Birth Baby

Lily Nguyễn lược dịch

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận